Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mong muốn đến năm 2020, tất cả mọi bệnh viện và cơ sở y tế đều chỉ sử dụng "bơm kim tiêm thông minh", loại xi lanh được thiết kế để chỉ dùng 1 lần, và không thể dùng đến lần thứ 2.
Xi lanh tiêm thông minh sẽ giảm sự lây lan của những căn bệnh chết người do bơm kim tiêm gây ra. Theo nghiên cứu gần đây do WHO tài trợ, năm 2010, loại bơm kim tiêm tái sử dụng đã gây ra 1,7 triệu ca nhiễm viêm gan B mới, hàng chục ngàn ca lây nhiễm HIV mới và hàng trăm ngàn người nhiễm viêm gan C. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới nghĩ bơm kim tiêm thông minh rất đáng để đầu tư, mặc dù chúng có giá cao gấp đôi so với loại thông thường.
Vậy bơm kim tiêm thông minh hoạt động như thế nào? Tìm hiểu nhanh về loại bơm kim tiêm này đã cho thấy nó liên quan đến hàng chục bản quyền, bắt nguồn từ những năm 1980 trở đi.
Nhiều thiết kế bơm kim tiêm thông minh ngăn người dùng không thể kéo ống tiêm lên nữa nếu nó đã được đẩy xuống. Sau đây là hình vẽ thiết kế của ống tiêm thông minh, chứa nhiều ngạnh nhỏ bên trong khiến người dùng không thể kéo ống tiêm trở lại sau lần sử dụng đầu tiên.
Đây chỉ là một bản quyền trong số rất nhiều bản quyền liên quan đến ống tiêm thông minh được thiết kế theo cơ chế khóa, nếu người dùng cố tình kéo ống tiêm trở lại sau khi đã sử dụng, ống tiêm có thể bị vỡ.
Tuy vậy, những loại ống tiêm này cũng có một vài khiếm khuyết. Nếu bạn đẩy ống tiêm xuống quá sớm, bạn sẽ phải thay một kim tiêm mới. Người dùng cũng không thể dễ dàng điều chỉnh liều lượng thuốc, cũng như trộn lẫn các loại thuốc bên trong ống tiêm này. Để xử lý vấn đề, loại ống tiêm thông minh mới hơn cho phép người dùng di chuyển pittong nhiều lần.
Sau 1 lần tiêm, y tá sẽ cài khóa để người khác không thể tái sử dụng ống tiêm nữa. Tuy vậy, cơ chế này cũng có thể dẫn đến các trường hợp một y tá hoặc một người nào đó vô tình/cố ý quên khóa ống tiêm để dùng lại lần nữa. WHO cho biết các nhân viên y tế thu nhập thấp tại những nước đang phát triển đôi khi muốn tiết kiệm ống tiêm và tái sử dụng để tăng thêm chút thu nhập.
Vì thế, ống tiêm thông minh không phải là giải pháp duy nhất nhằm ngăn chặn các căn bệnh lây nhiễm qua kim tiêm. Thêm vào đó, các bệnh viện vẫn phải dùng một số loại bơm kim tiêm tái sử dụng trong các trường hợp như tiêm đường tĩnh mạch.
Tuy vậy, bơm kim tiêm dùng 1 lần sẽ rất hiệu quả để ngăn chặn các bệnh lây nhiễm. Năm 1999, WHO bắt đầu thúc giục các quốc gia sử dụng bơm kim tiêm một lần cho tất cả các trường hợp tiêm phòng cho trẻ em. Từ năm 2000, số ca nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm trên toàn thế giới đã giảm 87%, còn số các ca nhiễm viêm gan C do kim tiêm đã giảm 83%, còn các ca nhiễm viêm gan B do kim tiêm cũng giảm 91%, một phần nhờ chiến dịch vận động tiêm vaccine phòng bệnh.