China News đưa tin, vào lúc 7h38 ngày 4/6 (giờ Bắc Kinh), tàu vũ trụ Chang'e-6 của Trung Quốc đã cất cánh từ vùng tối của Mặt trăng. Sau khi động cơ 3000N hoạt động được khoảng 6 phút, đã thành công đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo định trước quanh Mặt trăng.
Trước đó, từ ngày 2 - 3/6, Chang'e-6 đã hoàn thành thành công nhiệm vụ lấy mẫu đất đá tại Lưu vực Nam Cực-Aitken ở vùng tối của Mặt trăng, đúng như kế hoạch.
Trong quá trình lấy mẫu và đóng gói, các nhà nghiên cứu khoa học đã mô phỏng mô hình địa lý của khu vực và quá trình lấy mẫu dựa trên dữ liệu máy dò được vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2 truyền về, hỗ trợ quan trọng cho các quyết định và hoạt động lấy mẫu.
Hình ảnh vùng tối Mặt trăng được camera của Chang'e-6 ghi lại trong lúc hạ cánh. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc).
Chang'e-6 thu thập các mẫu Mặt trăng thông qua hai phương pháp: khoan bằng dụng cụ khoan và khai thác bề mặt bằng cánh tay robot. Các mẫu đá Mặt trăng được thu thập riêng biệt, thực hiện lấy mẫu đa dạng ở nhiều địa điểm.
Camera hạ cánh, camera toàn cảnh, máy dò cấu trúc đất Mặt trăng, máy phân tích phổ khoáng chất Mặt trăng và các trọng tải khác của tàu đổ bộ Chang'e-6 đã được khởi động bình thường và hoạt động thăm dò khoa học được thực hiện theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, các thiết bị quốc tế được Chang'e-6 mang theo như máy phân tích ion âm bề mặt Mặt trăng của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và máy dò radon Mặt trăng của Pháp đều đang hoạt động bình thường và đã thực hiện các nhiệm vụ phát hiện khoa học tương ứng.
Trong số đó, máy dò radon Mặt trăng của Pháp được khởi động trong giai đoạn bay vòng quanh Mặt trăng; máy phân tích ion âm bề mặt Mặt trăng ESA được khởi động trong khi thực hiện công việc trên bề mặt Mặt trăng. Tấm phản xạ góc laser của Italy gắn trên đỉnh tàu đổ bộ đã trở thành điểm kiểm soát vị trí ở vùng tối của Mặt trăng và có thể được sử dụng để đo khoảng cách.
Sau khi các hạng mục hoàn tất, quốc kỳ Trung Quốc do tàu đổ bộ Chang'e-6 mang theo đã được cắm thành công trên vùng tối của Mặt trăng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc treo cờ quốc gia một cách độc lập ở vùng tối của Mặt trăng. Lá cờ được làm bằng vật liệu composite mới với quy trình đặc biệt.
So với việc cất cánh từ Trái đất, tàu vũ trụ Chang'e-6 không có hệ thống tháp phóng cố định mà sử dụng tàu đổ bộ làm "tháp tạm thời".
So với Chang'e-5 cất cánh từ vùng sáng của Mặt trăng, việc cất cánh từ vùng tối của Chang'e-6 được đánh giá là khó hơn rất nhiều khi không thể trực tiếp nhận được sự hỗ trợ đo lường và điều khiển mặt đất. Thay vào đó, nó cần sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2 và sử dụng các cảm biến đặc biệt mà nó mang theo để đạt được khả năng định vị và xác định hướng tự động.
Sau khi thành công đi vào quỹ đạo bay quanh Mặt trăng theo kế hoạch, Chang'e-6 sẽ kết nối với tổ hợp tàu quay trở lại và chuyển giao các mẫu vật. Tổ hợp tàu quay trở lại sẽ tiếp tục bay quanh quỹ đạo Mặt trăng để chờ thời điểm thích hợp bay trở về Trái đất. Tàu dự kiến hạ cánh tại bãi đáp Siziwang Banner ở Nội Mông (phía Bắc Trung Quốc).
Trước đó vào ngày 3/5, tàu thăm dò Chang'e-6 được phóng lên vũ trụ và bắt đầu hành trình lên Mặt trăng. Tàu đã hạ cánh thành công vào ngày 2/6 tại lưu vực Nam Cực - Aitken ở vùng tối của Mặt trăng đúng như kế hoạch.