Tàu con thoi Discovery của Mỹ, mang theo phi hành đoàn gồm 7 nhà du hành vũ trụ (trong đó có 2 nữ) được phóng lên quỹ đạo hồi cuối tuần trước, đã lắp ghép thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) tối 11.12.
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), trong 8 ngày trên ISS, hai nhóm, mỗi nhóm gồm 2 nhà du hành của tàu sẽ tiến hành 3 lần đi bộ ra ngoài không gian để gắn một giàn giáo bằng nhôm nặng 2 tấn bên ngoài ISS và mắc lại mạng lưới điện cho bộ phận trạm do Mỹ chế tạo.
Ngoài ra, các nhà du hành của tàu Discovery cũng sẽ hoàn thiện hệ thống pin mặt trời đã được lắp đặt trong chuyến đi của tàu con thoi Atlantis hồi tháng 9 vừa qua nhằm tăng gấp đôi khả năng thu nhiệt Mặt Trời của ISS.
Tuy nhiên, công việc của các nhà du hành đã phải hoãn lại nhiều giờ so với kế hoạch để kiểm tra cánh trái của tàu Discovery sau khi một bộ phận cảm biến báo có vật thể lạ va vào tàu với "cường độ thấp".
Các nhà du hành đã sử dụng một máy chụp có độ phân giải cao và một máy la-de gắn vào phần nối dài 15 mét trên cánh tay tự động của tàu Discovery để kiểm tra tấm nhiệt bằng các-bon được thiết kế nhằm bảo vệ mũi, thân, cánh tàu con thoi và các bộ phận khác của buồng lái.
Những hình ảnh và các dữ liệu đã được truyền về Trung tâm kiểm soát Houston thuộc bang Texas (Tây Nam nước Mỹ) cho thấy không có dấu hiệu đáng lo ngại. Việc kiểm tra lớp vỏ cách nhiệt đã trở thành thông lệ kể từ sau vụ tai nạn của tàu vũ trụ Columbia tháng 2.2003.
Sứ mạng của tàu Discovery sẽ kết thúc vào ngày 21.12. Đây là một trong tổng số 144 chuyến bay của các tàu con thoi mà NASA đã lên kế hoạch cho 4 năm tới.
HQ