Tàu Trung Quốc đưa mẫu vật Mặt trăng về Trái đất

Khoang tàu chứa mẫu bụi và sỏi Mặt trăng đáp xuống Nội Mông vào 0h59 ngày 17/12 theo giờ Hà Nội.

Lần đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ, tàu vũ trụ Hằng Nga 5 thu thập và mang thành công mẫu đất đá 1,2 tỷ năm tuổi của Mặt trăng về Trái đất, kết thúc nhiệm vụ Hằng Nga 5 của Trung Quốc. Lần lấy mẫu vật Mặt trăng gần đây nhất là nhiệm vụ Luna 24 của Liên bang Xô Viết, giúp mang về 170g vật chất vào năm 1976. Lượng mẫu vật từ nhiệm vụ Hằng Nga 5 lớn hơn nhiều, đạt khoảng 2kg nếu tất cả theo đúng kế hoạch.


Khoang hồi quyển hạ cánh ở Nội Mông. (Video: Xinhua).

Tàu Hằng Nga 5 gồm 4 module nặng 8.200 kg phóng vào ngày 23/11 và tới quỹ đạo Mặt trăng sau đó 5 ngày. Hai trong số 4 module là trạm đổ bộ và phương tiện cất cánh đáp xuống khu vực gần núi lửa Mons Rümker thuộc vùng lòng chảo khổng lồ Oceanus Procellarum hôm 1/12. Trạm đổ bộ hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời trang bị camera, radar xuyên đất và quang phổ kế chụp ảnh để khám phá môi trường xung quanh. Nhưng nhiệm vụ chính của trạm đổ bộ là thu thập mẫu vật từ bề mặt và ở độ sâu 2 m dưới mặt đất.

Hôm 3/12, phương tiện cất cánh mang theo mẫu vật phóng lên quỹ đạo thấp của Mặt trăng để gặp hai module còn lại là tàu quay quanh quỹ đạo và khoang hồi quyển 2 ngày sau đó. Hoạt động phóng gây hư hại cho trạm đổ bộ. Trạm ngừng hoạt động hôm 11/12 khi bóng tối bao trùm Mons Rümker. Đội chuyên viên của nhiệm vụ Hằng Nga 5 điều khiển phương tiện cất cánh rời khỏi quỹ đạo hôm 7/12 và đâm xuống bề mặt Mặt trăng. 5 ngày sau, tàu quay quanh quỹ đạo và khoang hồi quyển bắt đầu hành trình trở về Trái đất.

Hằng Nga 5 là nhiệm vụ mới nhất trong chương trình khám phá Mặt trăng tự động của Trung Quốc. Tàu Hằng Nga 1 và 2 bay quanh quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2007 và 2010, trong khi tàu Hằng Nga 3 đưa trạm đổ bộ và robot tự hành tới vùng sáng của Mặt trăng vào tháng 12/2013. Tiếp theo, nhiệm vụ Hằng Nga T1 phóng nguyên mẫu khoang hồi quyển quanh Mặt trăng vào tháng 10/2014 để chuẩn bị cho hoạt động đổ bộ. Sau đó, nhiệm vụ Hằng Nga 4 cất cánh vào tháng 1/2019 hạ cánh nhẹ nhàng xuống vùng tối của Mặt trăng cùng với trạm đổ bộ và robot thăm dò.


Trung Quốc là quốc gia thứ 3 mang mẫu vật Mặt trăng về Trái đất.

Dù nhiệm vụ Hằng Nga 5 diễn ra thành công, các nhà nghiên cứu vẫn cần xem xét và đánh giá mẫu vật. Trung Quốc là quốc gia thứ 3 mang mẫu vật Mặt trăng về Trái đất. Hai nước trước đó là Liên bang Xô Viết và Mỹ. 6 nhiệm vụ Apollo từ năm 1969 đến 1972 thu thập tổng cộng 382 kg mẫu đất đá Mặt trăng. Mẫu vật của tàu Hằng Nga 5 sẽ cung cấp hiểu biết mới về quá trình tiến hóa và lịch sử Mặt trăng, do đất đá ở khu vực Mons Rümker được cho là hình thành cách đây 1,2 tỷ năm, trong khi tất cả đá núi lửa do tàu Apollo thu thập đều trên 3 tỷ năm tuổi, theo Bradley Jolliff, nhà khoa học hành tinh ở Đại học Washington tại St. Louis.

Cập nhật: 17/12/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video