Tàu vũ trụ Ấn Độ đáp thành công xuống Mặt trăng

Trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt trăng lúc 19h34 ngày 23/8 (giờ Hà Nội).


Khoảnh khắc trạm đổ bộ Ấn Độ đáp xuống bề mặt Mặt trăng. (Video: ISRO)

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) kích hoạt chế độ hạ cánh tự động lúc 19h14 (giờ Hà Nội). Không có sự can thiệp nào của trạm dưới mặt đất khi chế độ hạ cánh tự động bắt đầu. Trạm đổ bộ bắt đầu quá trình hạ cánh lúc 19h15 (giờ Hà Nội), sau đó giảm dần độ cao để đáp nhẹ nhàng xuống gần cực nam Mặt trăng. Những phút cuối cùng của cuộc đổ bộ Mặt trăng được gọi là "15 phút kinh hoàng".

Nó bao gồm 4 giai đoạn:

  • Đầu tiên là giai đoạn phanh gấp. Trong giai đoạn này, vận tốc theo phương ngang của trạm đổ bộ giảm từ khoảng 6.000 km/h xuống gần 0 km/h để hạ cánh nhẹ nhàng.
  • Tiếp theo là giai đoạn giữ tư thế ở độ cao khoảng 7,43 km so với bề mặt Mặt trăng. Lúc này, tàu đổ bộ sẽ xoay từ tư thế nằm ngang sang thẳng đứng trong khi di chuyển 3,48 km.
  • Giai đoạn thứ ba là phanh nhẹ, kéo dài khoảng 175 giây. Trong thời gian đó, trạm đổ bộ sẽ di chuyển khoảng 28,52 km (tính theo phương ngang) đến địa điểm hạ cánh, đồng thời giảm độ cao xuống khoảng 1 km. Trước đây, Chandrayaan-2 đã mất kiểm soát giữa giai đoạn 2 và 3.
  • Giai đoạn cuối cùng là hạ độ cao để đáp xuống bề mặt, trạm đổ bộ trong tư thế hoàn toàn thẳng đứng sẽ dần dần hạ cánh xuống Mặt trăng.

"Khi chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử như vậy, chúng tôi rất tự hào. Đây là buổi bình minh của một Ấn Độ mới. Chưa quốc gia nào từng đến khu vực này (cực nam Mặt trăng). Với nỗ lực của các nhà khoa học, chúng tôi đã đến được đó", Thủ tướng Modi chia sẻ khi Chandrayaan-3 hạ cánh thành công.


Mô phỏng trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan trong nhiệm vụ Mặt trăng Chandrayaan-3. (Ảnh: ISRO)

Thành công của Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Nhiệm vụ cũng đánh dấu sự nổi lên của Ấn Độ trong vai trò một cường quốc vũ trụ mới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang tìm cách thúc đẩy đầu tư vào các vụ phóng vũ trụ tư nhân và các hoạt động kinh doanh liên quan đến vệ tinh. Ấn Độ mong muốn các công ty vũ trụ tư nhân của nước này tăng thị phần trên thị trường phóng quốc tế lên gấp 5 lần trong thập kỷ tới.

Nhiệm vụ Mặt trăng đầu tiên trong chương trình Chandrayaan của Ấn Độ là Chandrayaan-1, triển khai vào năm 2008. Nhiệm vụ gồm một tàu quỹ đạo bay quanh Mặt trăng ở độ cao 100 km để lập bản đồ địa chất, khoáng vật và hóa học của Mặt trăng. Sau khi con tàu hoàn thành mọi mục tiêu của nhiệm vụ chính, quỹ đạo được nâng lên 200 km vào tháng 5/2009. Nhiệm vụ kết thúc khi các chuyên gia mất liên lạc với nó cuối tháng 8/2009.

Năm 2019, Ấn Độ triển khai nhiệm vụ Chandrayaan-2 nhằm thử sức đưa tàu đáp xuống Mặt trăng nhưng thất bại. Trạm đổ bộ và robot bị phá hủy khi đâm xuống Mặt trăng ở nơi gần với vị trí hạ cánh dự kiến của Chandrayaan-3. Trong khi đó, tàu quỹ đạo của Chandrayaan-2 triển khai thành công và hiện vẫn đang bay quanh Mặt trăng.

Ngày 14/7 năm nay, trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, tiếp tục tham vọng hạ cánh xuống Mặt trăng. Trạm đổ bộ tăng dần độ cao, sau đó khai hỏa động cơ vào ngày 31/7 để hướng tới Mặt trăng. Nó đi vào quỹ đạo quanh Mặt trăng hôm 5/8.

Vikram nhắm đến cực nam Mặt trăng, nơi thu hút sự quan tâm lớn với khả năng tồn tại băng nước, có thể dùng làm nhiên liệu đẩy hoặc duy trì sự sống. Dù không chính xác ở cực nam, Ấn Độ dự định hạ cánh xa hơn về phía nam so với bất kỳ cuộc đổ bộ nào trước đây. Trong khi đó, hạ cánh gần xích đạo được cho là dễ dàng hơn vì một số lý do kỹ thuật liên quan đến ánh sáng, liên lạc và địa hình.

Vikram cao khoảng 2 m và nặng hơn 1.700 kg tính cả robot tự hành Pragyan nặng 26 kg mà nó mang theo. Chiếm một phần lớn khối lượng của Vikram là nhiên liệu đẩy. Vikram và Pragyan chạy bằng năng lượng Mặt Trời và có thời gian thực hiện nhiệm vụ dự kiến là một ngày Mặt trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi đêm Mặt trăng tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin. Bộ đôi này sẽ thực hiện hàng loạt thí nghiệm như phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt trăng.


Thông tin về nhiệm vụ Mặt trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ. (Đồ họa: AFP).

Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt trăng. Trạm đổ bộ cũng trang bị một bộ phản xạ ngược, dự kiến vẫn phát huy tác dụng rất lâu sau khi trạm đổ bộ này ngừng hoạt động. Trong khi đó, robot Pragyan mang theo Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất đá Mặt trăng.

Việc hạ cánh xuống Mặt trăng không hề dễ dàng. Một tàu vũ trụ khác nhắm tới khu vực gần cực nam Mặt trăng là Luna-25 của Nga. Nhiệm vụ này đã thất bại khi hôm 20/8, Nga thông báo con tàu đâm xuống bề mặt Mặt trăng. ispace, startup vũ trụ tư nhân Nhật Bản, cũng thất bại trong nỗ lực hạ cánh xuống Mặt trăng hồi tháng 4.

Cập nhật: 25/08/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video