Tàu đổ bộ Ấn Độ gửi hình ảnh Mặt trăng đẹp choáng ngợp khi chuẩn bị hạ cánh

  •  
  • 10.633

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đang lao vun vút gần Mặt trăng trước nỗ lực hạ cánh lịch sử và nó đã ghi lại một số hình ảnh tuyệt đẹp trên đường đi.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) ngày 22/8 đã xác nhận rằng tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đang theo đúng lịch trình và hoạt động của tàu tiếp tục "thuận buồm xuôi gió”. Tàu đổ bộ Vikram của sứ mạng Chandrayaan-3 dự kiến sẽ bắt đầu hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng vào 17h45 ngày 23/8 theo giờ Ấn Độ (tức 19h15 cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Hình ảnh cận cảnh bề mặt Mặt trăng vào ngày 20/8.
Camera Lander Imager 4 của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 chụp được hình ảnh cận cảnh bề mặt Mặt trăng vào ngày 20/8.

Nếu thành công, sứ mệnh này sẽ đánh dấu lần hạ cánh mềm đầu tiên trên bề mặt Mặt trăng của tàu vũ trụ Ấn Độ và đưa nước này trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới từng đạt được kỳ tích như vậy. Hiện nay, Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ là những quốc gia đã tiến hành thành công hạ cánh có kiểm soát tàu vũ trụ lên Mặt trăng.

Cơ quan vũ trụ của Ấn Độ sẽ phát trực tiếp nỗ lực hạ cánh của Chandrayaan-3 bắt đầu lúc 17h20 giờ chuẩn Ấn Độ ngày 23/8.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ ngày 21/8 đã đánh dấu đêm trước sự kiện sứ mạng Chandrayaan-3 hạ cánh bằng cách chia sẻ ảnh và cảnh quay được ghi lại bằng camera trên tàu vũ trụ này.

Một hình ảnh rõ nét về bề mặt Mặt trăng được chụp từ độ cao 70 km, đã mô tả các đặc điểm như Mare Marginis, một vết đen lớn được hình thành do các tiểu hành tinh cổ đại va vào rìa cực "mặt gần" của Mặt trăng ("The near side" là bán cầu Mặt trăng luôn hướng về Trái đất, ngược lại với "mặt xa" - far side. Chỉ có thể nhìn thấy một mặt của Mặt trăng từ Trái đất vì Mặt trăng quay trên trục của nó với cùng tốc độ mà Mặt trăng quay quanh Trái đất).

Một hình ảnh khác, được chụp vào ngày 20/8 từ một vị trí thuận lợi gần hơn nhiều khi tàu vũ trụ lướt qua, cung cấp cận cảnh về địa hình xám xịt bụi bặm của Mặt trăng.

Theo cơ quan vũ trụ Ấn Độ, tàu Chandrayaan-3 có thể định hướng vị trí của nó bằng cách khớp các hình ảnh do camera chụp được với bản đồ Mặt trăng được lập trình trong máy tính trên tàu.

Tàu Chandrayaan, có nghĩa là "phương tiện Mặt trăng" trong tiếng Phạn, được phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota, bang Andhra Pradesh miền nam Ấn Độ vào ngày 14/7. Tàu vũ trụ này đã thực hiện một cách tiếp cận chậm rãi đối với bề mặt Mặt trăng.

Hình ảnh về khu vực "mặt xa" của Mặt trăng
Cơ quan vũ trụ của Ấn Độ ISRO công bố hình ảnh về khu vực "mặt xa" của Mặt trăng được chụp bởi Camera Lander Imager 4 trên tàu Chandrayaan-3. Tàu đổ bộ của Ấn Độ đang chuẩn bị hạ cánh mềm xuống vùng cực nam của Mặt trăng.

Sứ mệnh Chandrayaan-3 đánh dấu nỗ lực thứ hai của Ấn Độ nhằm hoàn thành cuộc đổ bộ có kiểm soát lên Mặt trăng. Nỗ lực đầu tiên, vào năm 2019 với Chandrayaan-2, đã chứng kiến tàu đổ bộ đâm xuống bề mặt Mặt trăng do sự cố phần mềm và khó phanh khi hạ cánh.

Trạm đổ bộ Vikram trên tàu vũ trụ Chandrayaan-3 mang theo một robot nhỏ gọi là Pragyan. Bộ đôi chạy bằng năng lượng Mặt Trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày Mặt trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái đất), trước khi đêm Mặt trăng (cũng dài bằng 14 ngày Trái đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.

Vikram đã tới gần Mặt trăng hơn hôm 20/8, sau khi hoàn thành thao tác de-boosting (giảm tốc để điều chỉnh vị trí trên quỹ đạo) cuối cùng. Với thao tác này, trạm đổ bộ đã tới quỹ đạo mà điểm gần Mặt trăng nhất là 25km và xa nhất là 134km. ISRO cho biết, nó sẽ trải qua quá trình tự kiểm tra và chờ thời điểm Mặt trời mọc tại địa điểm hạ cánh chỉ định.

Trạm đổ bộ này nhắm đến điểm hạ cánh gần cực nam Mặt trăng, nơi có khả năng cao tồn tại băng nước hữu ích cho việc chế tạo nhiên liệu đẩy hoặc duy trì sự sống.

Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt trăng khoảng 10cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt trăng. Vikram cũng trang bị một bộ phản xạ ngược, dự kiến vẫn phát huy tác dụng rất lâu sau khi trạm đổ bộ này ngừng hoạt động. Trong khi đó, robot Pragyan mang theo Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất đá Mặt trăng.

Chỉ ít ngày trước thời điểm Chandrayaan-3 dự kiến hạ cánh, sứ mạng Luna-25 của Nga đã gặp sự cố, khiến tàu đổ bộ này rơi xuống bề mặt Mặt trăng.

Ngày 21/8, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, Yury Borisov, đã tiết lộ nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của sứ mạng Luna-25 là do tàu thăm dò đã không tắt động cơ kịp thời và đi chệch khỏi quỹ đạo dự kiến.

“Thật không may, việc tắt động cơ không diễn ra bình thường, theo sơ đồ trình tự, mà dựa trên dấu thời gian (time stamp), và thay vì 84 giây theo kế hoạch, nó đã diễn ra trong 127 giây", ông Borisov nói với đài truyền hình Rossiya 24. Yếu tố này là nguyên nhân quan trọng đằng sau sự thất bại của sứ mạng - ông Borisov tuyên bố và cho biết thêm rằng một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để điều tra vụ việc.

Cập nhật: 23/08/2023 Báo Tin Tức/TTXVN
  • 10.633