Tên lửa mạnh nhất phát nổ trong lần bay thử đầu tiên

Tên lửa Starship phát nổ trên bầu trời Texas không lâu sau khi rời khỏi bệ phóng trong chuyến bay đầu tiên vào không gian.


Tên lửa Starship phát nổ giữa không trung. (Video: SpaceX)

Tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo cất cánh từ cơ sở Starbase của SpaceX ở bãi biển Boca Chica, nam Texas, vào 9h33 ngày 20/4 giờ địa phương (21h33 ngày 20/4 giờ Hà Nội). Với chiều cao 120m, Starship phóng lên quỹ đạo sau khi khai hỏa 33 động cơ Raptor ở tầng đầu tiên. Tên lửa bay lên cao dần với phần thân bằng thép không gỉ sáng bóng trên bầu trời Texas.

Theo dự kiến, tầng trên cao 50m của Starship sẽ tách khỏi tên lửa đẩy Super Heavy ở tầng đầu tiên khoảng 3 phút sau khi cất cánh, nhưng điều đó không xảy ra. Hai phương tiện vẫn gắn liền, bắt đầu chao đảo và cuối cùng phát nổ chỉ 4 phút sau khi phóng. Theo SpaceX, bộ đôi phương tiện "tách rời nhanh không theo lịch trình".

Tuy nhiên, các nhân viên tập trung ở trụ sở SpaceX tại Hawthorne, California để theo dõi quá trình phóng vẫn reo hò với những gì đạt được sau lần phóng đầu tiên. Hệ thống phương tiện khổng lồ đạt độ cao tối đa khoảng 39 km, theo dữ liệu từ SpaceX. Đây là nỗ lực thứ hai của SpaceX nhằm phóng Starship. Lần thử đầu tiên hôm 17/4 kết thúc đột ngột do một van bị đóng băng.

Theo kế hoạch bay, Super Heavy sẽ quay trở lại Trái đất, đáp xuống vịnh Mexico khoảng 8 phút sau khi phóng. Trong khi đó, tầng trên sẽ khai hỏa 6 động cơ Raptor để tới đích và bay một phần quanh Trái đất. Mục tiêu của SpaceX là đưa Starship tới độ cao tối đa 233 km, sau đó trở lại khí quyển Trái đất và hạ cánh xuống Thái Bình Dương, cách không xa đảo Kauai của Hawaii khoảng 90 phút sau khi rời bệ phóng.


Tên lửa Starship rời bệ phóng.

Tuy nhiên, SpaceX không kỳ vọng mọi thứ diễn ra trôi chảy. Những tên lửa mới thường thất bại trong lần bay thử đầu tiên. Starship lớn và phức tạp hơn phần lớn phương tiện phóng. Chuyến bay hôm nay nhằm thu thập dữ liệu và phản ứng tốt với bất kỳ điều gì xảy ra, theo đại diện công ty.

Starship bao gồm tên lửa đẩy ở tầng đầu tiên mang tên Super Heavy và tầng trên cũng mang tên Starship. Cả hai phương tiện đều được thiết kế để tái sử dụng hoàn toàn, đột phá chủ chốt giúp bay tới sao Hỏa. Hai bộ phận của Starship phóng hôm nay là nguyên mẫu Booster 7 của Super Heavy và tầng trên có tên gọi Ship 24 sẽ không bay lần nữa bởi SpaceX không có kế hoạch thu hồi phương tiện trên biển. Động cơ Raptor mới của SpaceX hoạt động bằng methane và oxy lỏng. Đó là hai nhiên liệu có thể sản xuất trên hành tinh đỏ, cho phép Starship phóng hiệu quả từ sao Hỏa cũng như Trái đất.

Musk hình dung các tàu Starships sẽ bay nhiều lần mỗi ngày trên Trái đất. Tên lửa đẩy Super Heavy trực tiếp quay trở lại bệ phóng sau mỗi lần cất cánh để kiểm tra nhanh, nạp nhiên liệu và phóng tiếp. Việc tăng cường tái sử dụng có thể giảm chi phí mỗi nhiệm vụ của Starship xuống vài triệu USD, theo Musk. Starship có thể chở 165 tấn lên quỹ đạo Trái đất trong mỗi nhiệm vụ ở cấu hình tái sử dụng. 33 động cơ Raptor của Super Heavy tạo ra khoảng 16,5 triệu tấn lực đẩy khi cất cánh, gần gấp đôi siêu tên lửa giữ kỷ lục trước đó là Hệ thống phóng không gian của NASA, bay lần đầu hồi tháng 11 năm ngoái trong nhiệm vụ Mặt Trăng Artemis 1.

Cập nhật: 21/04/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video