Thám hiểm sông băng Nam Cực, tàu lặn tự động mất tích bí ẩn

Ran, tàu lặn tự động dài 7 m của Đại học Gothenburg, biến mất cuối tuần vừa qua trong chuyến thám hiểm cùng tàu phá băng RV/IB Araon của Hàn Quốc.

Ran, tàu lặn nghiên cứu sông băng quan trọng đã bị mất tích, SciTechDaily hôm 4/2 đưa tin. Ran trang bị các cảm biến và công nghệ hiện đại có thể đo lường và ghi chép về môi trường dưới nước. Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ kéo dài dưới băng, đến nay đã hoạt động thành công ở Nam Cực và một số nơi khác. Dự án được dẫn dắt bởi giáo sư Anna Wahlin tại Đại học Gothenburg.


Tàu lặn tự động Ran được lập trình trước, sau đó lặn xuống dưới sông băng ở châu Nam Cực để thực hiện những chuyến nghiên cứu dài. (Ảnh: Anna Wahlin).

"Đây là lần thứ hai chúng tôi đưa Ran tới sông băng Thwaites để nghiên cứu khu vực dưới băng. Nhờ Ran, chúng tôi trở thành những nhà nghiên cứu đầu tiên trên thế giới tiến vào Thwaites năm 2019. Trong chuyến thám hiểm mới, chúng tôi ghé thăm khu vực này một lần nữa. Dù đã thấy sự tan chảy và dịch chuyển của băng từ dữ liệu vệ tinh, với Ran, chúng tôi sẽ thu được những hình ảnh cận cảnh về khu vực bên dưới băng và thông tin về cơ chế chính xác phía sau sự tan chảy", Anna Wahlin nói.

Sông băng Thwaites ở châu Nam Cực rất lớn, đôi khi được gọi là sông băng Ngày tận thế vì có khả năng khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao vài mét nếu tan chảy hoàn toàn. Do đó, những dữ liệu của Ran nhận được rất nhiều sự quan tâm, không chỉ với các nhà khoa học nghiên cứu vùng cực.

Trong quá trình lặn dưới lớp băng dày 200 - 500 m, Ran không liên lạc liên tục với tàu nghiên cứu RV/IB Araon. Lộ trình được lập trình trước và nhờ hệ thống điều hướng tiên tiến, Ran có thể tìm được đường quay trở lại vùng nước thoáng.

Trong tháng 1, Ran đã hoàn thành vài chuyến lặn dưới sông băng Thwaites, nhưng trong chuyến lặn cuối cùng theo kế hoạch, sự cố đã xảy ra. Sau hành trình dài dưới lớp băng, nó không xuất hiện tại điểm hẹn trước. Tàu RV/IB Araon hủy bỏ hành trình trở về và các chuyên gia tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm bằng thiết bị âm thanh, trực thăng, drone nhưng đều không thành công.

"Điều này gần giống như mò kim đáy bể, mà thậm chí không biết đáy bể ở đâu. Ở thời điểm này, Ran đã cạn pin. Tất cả những gì chúng tôi biết là một điều bất thường đã xảy ra dưới lớp băng. Chúng tôi nghĩ tàu lặn gặp sự cố, rồi một thứ gì đó ngăn nó thoát ra", Anna Wahlin nói.

"Dữ liệu chúng tôi nhận từ Ran là độc nhất vô nhị trên thế giới và có giá trị rất lớn với nghiên cứu quốc tế. Đồng thời, rủi ro cũng rất lớn. Chúng tôi đã biết sự cố như vậy có thể xảy ra, đó có thể là cái kết dành cho Ran. Cá nhân tôi cho rằng như vậy còn tốt hơn là để tàu lặn 'lão hóa' và phủ đầy bụi trong kho. Tất nhiên, đây vẫn là một tổn thất vô cùng lớn. Chúng tôi đã triển khai Ran 5 năm và trong 5 năm đó, chúng tôi đã thực hiện khoảng 10 chuyến thám hiểm, huấn luyện, phát triển và thử nghiệm", Anna Wahlin cho biết. Nhóm nghiên cứu dự định tìm cách thay thế Ran trong tương lai.

Cập nhật: 07/02/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video