Peru đứng trước nguy cơ lũ hồ băng

Năm 1941, hàng nghìn người thiệt mạng ở Huaraz (Peru) khi con đập tự nhiên ở hồ phía trên thành phố bị vỡ. Giờ đây, các sông băng tan chảy đang làm tăng nguy cơ điều đó xảy ra lần nữa.

Hồ Palcacocha nằm ở vị trí cao trong dãy Cordillera Blanca thuộc dãy Andes Peru, nằm phía trên thành phố Huaraz ở độ cao khoảng 4.500m. Khi hồ vượt qua các băng tích rộng lớn, hay các con đập tự nhiên, nó đã gửi gần 10m3 nước và các mảnh vụn vào thung lũng hẹp hướng về phía thành phố, ở độ sâu 1.500m.

Kết quả là một trong những trận lũ bùng phát ở hồ băng có sức tàn phá khủng khiếp nhất từng được ghi nhận. Lực của nước đã thay đổi địa lý của khu vực mãi mãi và giết chết ít nhất 1.800 người và có thể lên tới 5.000 người.

Giống như tất cả các hồ như vậy, Palcacocha được hình thành khi sông băng rút đi, nước lấp đầy vùng đất trống xung quanh nó. Quá trình này là tự nhiên, nhưng hiện nay, các nhà khoa học cho biết, cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm tăng nguy cơ thảm hoạ xảy ra một lần nữa.


Laguna Parón, ở độ cao 4.200m, là một trong những hồ băng lớn nhất ở dãy núi Cordillera Blanca, Peru. (Nguồn: The Guardian).

Dãy Cordillera Blanca của Peru có mật độ sông băng nhiệt đới cao nhất thế giới. Trong khi dãy Himalaya được coi là có nguy cơ lũ lụt đáng kể hơn, thì dân số đông đảo của Huaraz khiến mối đe dọa đối với cuộc sống ở khu vực này trở nên lớn hơn nhiều.

Khi thảm họa xảy ra năm 1941, Huaraz có dân số 12.000 người, còn bây giờ nó là một thành phố thịnh vượng với 120.000 người. Ông Neil Glasser - giáo sư địa lý tại Đại học Aberystwyth, cho biết: “Đây là một ví dụ duy nhất trên thế giới về một thành phố lớn nằm ngay trước nguy cơ lũ lụt từ hồ băng”.

Ở phía dưới thung lũng, quận đông dân Nuevo Florida sẽ là khu vực đầu tiên của Huaraz bị lũ lụt tấn công nếu nó xảy ra. Saul Luciano Lliuya, một nông dân 43 tuổi và là hướng dẫn viên leo núi, lo sợ điều có thể xảy ra, bởi anh đã chứng kiến các sông băng và cảnh quan thay đổi do khủng hoảng khí hậu.

“Vấn đề không thể đoán trước được nên không biết tôi và gia đình sẽ ra sao nếu chuyện đó xảy ra. Những hướng dẫn viên lớn tuổi đã kể cho tôi nghe về những ngọn núi và chúng đang thay đổi như thế nào. Là một nông dân và một hướng dẫn viên, tôi đã nhận thấy những thay đổi sâu sắc” - anh Lliuya nói.

Lũ hồ băng có thể xảy ra theo 2 cách. Các hồ băng hình thành đằng sau các băng tích - những con đập tự nhiên được hình thành do sự tích tụ của đất và đá do một dòng sông băng di chuyển để lại. Khi sông băng tan chảy, mực nước có thể tăng dần và tạo áp lực lớn hơn lên băng tích, khiến chúng phải nhường chỗ. Hay một trận tuyết lở hoặc động đất có thể tạo ra sự thay đổi mực nước và khiến nó tràn qua băng tích, làm ngập khu vực bên dưới.

Một nghiên cứu được công bố năm 2023 trên tạp chí Nature Communications cho thấy, lũ hồ băng đe dọa 15 triệu người trên toàn cầu. Tháng 10 năm ngoái, lũ hồ băng đã giết chết 92 người ở Sikkim, 1 bang phía Đông Bắc Ấn Độ giáp với Nepal, Bhutan và Tây Tạng.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hồ băng. Ông Wilson - một chuyên gia tại Đại học Huddersfield, người đã phân tích các hồ cho chính phủ Peru, cho biết: “Nếu nhìn vào phần lớn các nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể thấy các sông băng trên toàn cầu đang mỏng đi đáng kể. Điều đó đặc biệt xảy ra ở dãy Andes và Peru”.

Theo ông Wilson, những người sống ở hạ lưu những hồ như vậy cần phải nhận thức được sự nguy hiểm. “Chúng ta đang gặp phải tình huống có nhiều hồ mở rộng và xuất hiện hơn. Điều quan trọng là tuyên truyền và làm cho mọi người hiểu được, bởi đây là những trận lũ có cường độ rất lớn có thể xảy ra bất ngờ. Chúng có thể di chuyển hàng kilômet trong vòng 20 hoặc 30 phút và không có nhiều thời gian để phản ứng” - ông Wilson nói.

Trong khi chính quyền Peru nhận thức được những rủi ro và đã thực hiện các bước để giảm thiểu chúng, nhưng người dân địa phương cho rằng, chính phủ cần làm nhiều việc hơn nữa. Bà Inés Yanac - Giám đốc tổ chức môi trường địa phương Wayintsik Peru ở Quechua, cho biết: “Người dân rất lo lắng về nguy cơ xảy ra một trận lũ lụt khác. Họ lo lắng về việc thiếu nước nếu có lũ lụt và lo lắng về việc đảm bảo an ninh cho hồ nước. Nước là nguồn tài nguyên quan trọng cho vật nuôi và cây trồng của họ”.

Theo bà Yanac, chính quyền phải giải quyết vấn đề này. Cần có một số hệ thống báo động, nhưng nó chưa bao giờ được thử nghiệm. Ông Juan Torres Lázaro thuộc Viện Băng học Inaigem của Peru thì cho rằng, hệ thống này đã được thử nghiệm nhưng có “những thiếu sót nghiêm trọng về quy trình”.

Ông Victor Morales Moreno - người làm nhiệm vụ theo dõi mực nước tại hồ Palcacocha đã theo dõi mực nước ở hồ cứ 2 giờ một lần trong 9 năm qua. Ông chỉ trích cách giải quyết vấn đề và nói rằng, các đường ống thoát nước được lắp đặt để hạ thấp mực nước hồ đã cũ và dễ gãy, dễ vỡ khi có bất kỳ dấu hiệu căng thẳng nào. Trận tuyết lở tấn công hồ Palcacocha vào tháng 1 năm nay đã tạo ra một làn sóng cao 3m tràn qua hồ. Rất may, nó không gây ra lũ hồ băng, nhưng cả 10 đường ống thoát nước đều bị hỏng và cần được thay thế.

Tuy nhiên, ông Moreno khá lạc quan về rủi ro có thể xảy ra. “Tôi không lo lắng về một trận lũ lụt khác vì mọi thứ đều trong tầm kiểm soát” - ông Moreno khẳng định.

Ông Torres Lázaro hiện đang đánh giá rủi ro từ các hồ nhưng tiến độ thực hiện khá chậm. 4 hồ đã được hoàn thành vào năm ngoái và 4 hồ khác được lên kế hoạch vào năm 2024. Theo ông Lázaro, mọi thứ vẫn bình lặng trong năm 2022, nhưng năm ngoái và năm nay, họ đã chứng kiến 2 trận tuyết lở, điều này đã làm tăng sự quan tâm của chính phủ. “Bây giờ, theo giới hạn, nó được coi là một rủi ro” - ông Lázaro nói.

Cập nhật: 30/03/2024 Đại Đoàn Kết
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video