30 năm trước khi lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl phát nổ, một sự cố khác từng xảy ra ở nhà máy hạt nhân của Liên Xô và bị các nhà chức trách che giấu suốt hơn 3 thập kỷ.
Tai nạn xảy ra ở Mayak, một trong những cơ sở hạt nhân lớn nhất của Nga, nằm gần thị trấn Kyshtym ở quận Chelyabinsk tại dãy núi Nam Ural, theo Amusing Planet. Cơ sở này được xây không lâu sau khi Thế chiến II kết thúc, đóng vai trò như địa điểm ra đời chương trình hạt nhân của Liên Xô. Mục tiêu cơ bản của nó là sản xuất plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Biển cảnh báo phóng xạ nguy hiểm trên sông Techa. (Ảnh: Wikimedia).
Nhà máy Mayak được gấp rút xây dựng vào năm 1948. Mayak chứa lò phản ứng hạt nhân lớn nhất của Nga. Nhà máy bao phủ diện tích hơn 90 km2, bao quanh bởi vùng cấm 250km2. Cơ sở này lớn ngang một thành phố nhưng sự tồn tại của nó được giữ bí mật.
Ngay từ ban đầu, Mayak đã là một cơ sở nguy hiểm. Nhà chức trách không chú ý tới an toàn của công nhân hoặc trách nhiệm xử lý chất thải. Chất thải phóng xạ tạo ra từ vật liệu hạt nhân đã qua sử dụng được lưu trữ dưới lòng đất, nhưng khi khu vực hết chỗ, thay vì ngừng sản xuất cho tới khi có thể xây dựng nơi lưu trữ mới, vật liệu độ phóng xạ cao bị đổ thẳng xuống sông Techa chảy chậm. Hơn 100.000 người sống ở hạ lưu sông sử dụng nguồn nước này. Ngoài ra, các lò phản ứng được làm mát bằng nước từ hồ Kyzyltash trong hệ thống làm mát chu trình hở. Nước ô nhiễm xả trực tiếp trở lại hồ. Trong vòng vài năm, vùng đồng quê và tất cả vùng nước quanh Mayak bị ô nhiễm nặng nề.
Quy chế an toàn không đầy đủ dẫn tới một số tai nạn chết người. Một trong những tai nạn đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào năm 1953 nhưng không có ai chú ý cho tới khi một công nhân bị nhiễm phóng xạ nghiêm trọng, phải cắt cụt cả hai chân. Tai nạn đáng chú ý nhất mang tên "thảm họa Kyshtym" xảy ra vào ngày 29/9/1957, khi hệ thống làm mát của một trong các bể chứa chất thải trục trặc nhưng không phát hiện kịp thời. Bể chứa phát nổ với lực tương đương khoảng 70 tấn TNT. Tuy không có thương vong trực tiếp từ vụ nổ, lực tác động khiến cột bụi phóng xạ bay thẳng lên trời với độ cao một kilomet.
Chiều hôm đó, cư dân ở quận Chelyabinsk trông thấy màu sắc khác thường trên bầu trời. Báo chí địa phương suy đoán đó là cực quang xuất hiện. Do tính bí mật của Mayak, những người dân làng không được thông tin về tai nạn. Trong vài ngày tiếp theo, đám mây phóng xạ trôi dạt về hướng đông bắc suốt hàng trăm kilomet, gây ô nhiễm khu vực rộng 15.000 - 20.000km2 và đe dọa tính mạng của 270.000 người. Việc sơ tán khu dân cư gần nhất bắt đầu sau đó một tuần. Người dân không được thông báo về những gì xảy ra, chỉ được yêu cầu gói ghém đồ đạc và rời đi. Chỉ có khoảng 10.000 người sơ tán trong thời gian hai năm.
Tin tức về tai nạn bắt đầu xuất hiện trên báo chí phương Tây vào năm 1958. Năm 1959, tin tức xuất hiện lần nữa trên một tờ báo của Áo. Tuy nhiên, các quan chức Liên Xô đều phủ nhận về tai nạn. Sự cố chỉ trở nên rõ ràng vào năm 1976 khi Zhores Medvedev, một nhà sinh vật học Liên Xô bị trục xuất công bố loạt bài báo về thảm họa trên trang New Scientist. Thông tin mà Medvedev đưa ra được chứng thực qua lời kể của Lev Tumerman, một nhà khoa học Liên Xô từng đi qua khu vực ô nhiễm vào năm 1960.
Số lượng thương vong thực sự từ thảm họa Kyshtym rất khó đánh giá, một phần do tính bí mật và phần khác do cơ sở Mayak đã làm ô nhiễm khu vực khi xả lượng lớn chất thải phóng xạ vào môi trường trong nhiều năm. Theo Medvedev, thảm họa Kyshtym tồi tệ hơn cả Chernobyl do giải phóng lượng chất phóng xạ dài hạn strontium-90 lớn hơn sự cố Chernobyl. Các trường hợp ung thư, khuyết tật bẩm sinh và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác chiếm tỷ lệ cao ở cư dân trong vùng cho tới ngày nay.