Ngày 26/5, chính quyền Papua New Guinea chính thức xác nhận, hơn 300 người thiệt mạng, 4.000 người bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở đất tại một ngôi làng ở quốc gia này.
Làng Kaokalam hẻo lánh (thuộc tỉnh Enga) do núi Maip Mulitaka sạt lở đã bị san phẳng vào lúc 3 giờ sáng ngày 24/5 (theo giờ địa phương). 1.100 ngôi nhà tại 6 ngôi làng lân cận bị ảnh hưởng.
Mảng núi Mugalo sạt lở chôn vùi làng Kaokalam. (Ảnh: AFP).
Ninga Role, cư dân làng Kaokalam cho biết, hơn 50 ngôi nhà với nhiều người vẫn đang ngủ bên trong bị chôn vùi khi trận lở đất xảy ra. Dân làng không kịp bỏ chạy. Có người cố gắng cứu những đứa con nhỏ nhưng sau đó cũng bị chôn vùi cùng gia đình.
Ông Role nói rất khó có thể đưa những người còn sống sót ra ngoài. Điều này dường như là không thể, khu vực bị lở đất rất lớn, với đá và cây cối ở khắp nơi.
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết, ngay sau khi nhận được hung tin, Chính phủ đã huy động lực lượng tới nơi xảy ra sạt lở. Lực lượng phòng vệ Papua New Guinea cùng người của Sở Công trình và đường cao tốc nỗ lực cứu trợ người sống sót và tìm kiếm thi thể người đã mất. Lực lượng hỗ trợ cùng người dân địa phương tìm mọi cách kéo thi thể các nạn nhân bị vùi lấp trong đất đá và cây cối đổ gãy, nhưng không hiệu quả.
Theo ông Serhan Aktoprak - quan chức Liên hợp quốc tại Papua New Guinea, cho tới cuối ngày 25/5, chỉ mới có 4 thi thể được đưa ra khỏi các đống đổ nát. Rất nhiều ngôi nhà bị vùi lấp mà các nhóm cứu hộ không thể tiếp cận được. Trong khi đó, đất đá vẫn tiếp tục dịch chuyển, gây nguy hiểm cho hoạt động cứu hộ.
Bà Elizabeth Laruma - Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Porgera cho biết, vụ việc xảy ra trong đêm khi người dân đang ngủ nên gần như vùi lấp cả làng. Nguyên nhân chưa được xác định rõ nhưng nhiều người cho rằng có thể do các hoạt động tại mỏ khai thác vàng Porgera do Công ty Barrick Gold vận hành.
Nhân viên cứu trợ và người dân tại hiện trường vụ lở đất ở tỉnh Enga - Papua New Guinea hôm 26-5. (Ảnh: REUTERS).
Theo Hội Chữ thập đỏ Papua New Guinea, con số người thiệt mạng có thể còn lên tới 500. Vụ sạt lở đất kinh hoàng đã chặn đường giữa Porgera và làng Kaokalam, càng khiến cho việc cung cấp nhiên liệu và hàng hóa thêm khó khăn. Trực thăng là phương tiện duy nhất có thể tiếp cận ngôi làng khi con đường chính đã bị đóng.
Papua New Guinea là một quốc gia có địa lý đa dạng, với phần lớn cư dân là nông dân tự cung tự cấp, sử dụng 800 ngôn ngữ thổ dân. Với 10 triệu dân, đây cũng là quốc gia Nam Thái Bình Dương đông dân nhất sau Australia, nơi có khoảng 27 triệu dân. Hạ tầng của Papua New Guinea vẫn còn kém phát triển khi cả nước chỉ có 1,66 triệu người sử dụng internet và 85% dân số sống ở khu vực nông thôn. |