Thần ưng California lần đầu sinh sản không cần con đực

Các nhà nghiên cứu vô cùng bất ngờ khi phát hiện hiện tượng trinh sản ở thần ưng California cực kỳ nguy cấp.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học tìm cách cứu thần ưng California khỏi bờ vực tuyệt chủng. Toàn bộ quần thể loài chim này giảm xuống 22 con năm 1982. Năm 2019, nỗ lực nhân giống nuôi nhốt và thả về tự nhiên giúp số lượng thần ưng California chậm rãi tăng lên hơn 500 con. Quá trình trên đòi hỏi quản lý cẩn thận chim nuôi nhốt, lựa chọn kỹ càng con đực và con cái giao phối để sinh ra chim non khỏe mạnh.


Thần ưng California tại cơ sở của tổ chức San Diego Zoo Wildlife Alliance. (Ảnh: San Diego Zoo Wildlife Alliance)

Khi xem xét kỹ hơn dữ liệu di truyền, nhà nghiên cứu Oliver Ryder và cộng sự Leona Chemnick phát hiện hai con chim đực có số hiệu SB260 SB517 không có yếu tố di truyền nào giống những con chim được cho là cha của chúng. Nói cách khác, chúng ra đời thông qua "trinh sản", theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Heredity hôm 28/10. Hiện tượng sinh sản vô tính như vậy thường xảy ra ở loài sinh sản hữu tính khi một số tế bào hoạt động giống tinh trùng và hợp nhất với trứng của cá thể cái.

Dù hiếm gặp ở động vật có xương sống, trinh sản từng được ghi nhận ở cá mập, cá đuối và thằn lằn. Các nhà khoa học cũng quan sát hiện tượng tự thụ tinh ở vài loài chim nuôi nhốt như gà tây, gà nhà và chim cút ngực lam, khi con cái được nuôi trong môi trường không có con đực. Nhưng đây là lần đầu tiên giới nghiên cứu bắt gặp trinh sản ở thần ưng California. Theo Ryder, điều đặc biệt kỳ lạ là SB260 và SB517 khác mẹ. Mẹ của chúng được nuôi cùng với con đực. Cả hai con chim mẹ đều sinh sản thành công cùng con đực trước và sau đó.

Chỉ có khoảng 300 con thần ưng cực kỳ nguy cấp sinh sống ở California, Arizona, và Utah. Với số lượng thấp như vậy, có thể thần ưng sử dụng trinh sản như một công cụ sinh tồn, theo Reshma Ramachandran, nhà sinh lý học sinh sản và vi sinh vật học ở Đại học Mississippi. Có bằng chứng ở các loài khác cho thấy trinh sản là "phao cứu mạng" của động vật sắp tuyệt chủng. Ví dụ, cá kiếm răng nhỏ cực kỳ nguy cấp chuyển sang trinh sản do ngày càng khó tìm được bạn tình trong tự nhiên.

Tuy nhiên, giả thuyết trên có thể không đúng với thần ưng California. Đầu tiên, chim cái nuôi nhốt có thể gặp gỡ bạn tình. Thứ hai, không con non nào ra đời qua trinh sản sống sót đến tuổi thuần thục. SB260 chết sau chưa đầy hai năm trong khi SB517 chết trước khi 8 tuổi. Một số con thần ưng California có thể sống tới 60 tuổi. Do các nhà khoa học kiểm tra nguy cơ rối loạn di truyền rất cẩn thận khi nhân giống thần ưng nuôi nhốt, có thể chim non mang đột biến gene khiến chúng chết sớm.

Đầu năm nay, Robinson, Ryder, và cộng sự công bố nghiên cứu nêu chi tiết toàn bộ hệ gene của thần ưng California. Trong tương lai, dữ liệu di truyền quý giá đó có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn trinh sản diễn ra như thế nào ở loài vật này. Theo Ramachandran, dù trinh sản được ghi nhận chủ yếu ở động vật nuôi nhốt, không có lý do nào để kết luận hiện tượng không xảy ra trong tự nhiên.

Cập nhật: 01/11/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video