Thanh Hóa: một nông dân nhận giải thưởng KOVA

Đó là anh Trần Văn Lưu (ảnh) - nông dân ở thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) - nhân vật trong bài “Đài thông tin anh Lưu”. Anh vừa vinh dự được nhận giải thưởng KOVA năm 2006 (10 triệu đồng).

Giải thưởng KOVA (do Hãng sơn KOVA sáng lập và tài trợ) hằng năm là giải thưởng hỗ trợ phát triển tài năng dành trao tặng các sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi; các tập thể, cá nhân có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong khoa học, công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống. Anh Trần Văn Lưu là nông dân duy nhất được nhận giải thưởng năm nay vì đã có thành tích đặc biệt trong việc xây dựng, duy trì hoạt động của Đài thông tin duyên hải Ngư Lộc, giúp cứu hộ, cứu nạn các ngư dân trên biển nhiều năm qua.

Đài thông tin anh Lưu

Anh Trần Văn Lưu đang đọc các bản tin dự báo thời tiết

Trong căn phòng chật chội, nóng như lò bánh mì, anh Trần Văn Lưu (42 tuổi) đang gào to trước chiếc micro của hệ thống đài thông tin duyên hải Ngư Lộc: “Bà con ngư dân chú ý, trưa nay (27-6-2006) áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 2 trên vùng biển VN...”.

Anh Lưu buông chiếc micro, toàn thân anh đầm đìa mồ hôi. Đây là công việc mà anh yêu thích, làm không công trong 17 năm qua.

“Bà con mình chết và bị thương nhiều quá con ơi...”

Anh Lưu kể cho tôi nghe về cái “duyên” với nghiệp thông tin báo bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển... của mình: “Học xong cấp III năm 1987, tôi thi Trường đại học Y Hà Nội bị thiếu nửa điểm. Không có điều kiện thi tiếp, tôi chuyển sang nghề sửa chữa điện tử dân dụng, điện tử hàng hải. Một buổi trưa cuối tháng 6-1989...”. Cái buổi trưa ấy anh vẫn còn nhớ như in: hàng chục tàu, thuyền của xã Ngư Lộc đang đánh cá trên biển Đông thì gặp bão.

Hơn mười ngư dân của xã đã bỏ mạng ngoài biển khơi. Cả buổi chiều hôm đó, gia đình anh ra bờ biển chờ tin cha. Đến nhá nhem tối, một số tàu, thuyền rách tả tơi kéo nhau lờ đờ cập bến. Anh lao ra biển và nhận ra bố anh đang dần kiệt sức trong vòng tay của đồng nghiệp. Nhìn thấy anh, cha anh thì thào: “Bà con mình chết và bị thương nhiều quá con ơi! Chết vì có được nghe tin tức gì đâu!...”. Sau đận ấy, bố anh vẫn tiếp tục đi biển và cũng như hàng ngàn ngư dân khác cứ u u minh minh giữa biển khơi “có nghe được tin tức gì đâu!”.

Từ những lời đau đớn của người cha, từ những mong ước có được thông tin khi tàu ra biển của ngư dân làng quê mình, anh Lưu đã lặn lội khắp nơi tìm mua một hệ thống đài phát sóng băng tần thấp. Sau nhiều tháng mày mò, nghiên cứu lắp ráp, ngày 25-9-1989 hệ thống thông tin liên lạc băng tần thấp (loại một băng) gồm một máy phát hiệu TUBOR 2400 MKII, công suất 3W của anh đã đi vào hoạt động.

Bán kính phát sóng của hệ thống này khoảng 5km (tức là từ bờ biển Ngư Lộc ra đến đảo Nẹ). Hôm anh Lưu phát sóng điện đàm thành công, nhiều tàu của Ngư Lộc đánh bắt hải sản quanh đảo Nẹ thu được tín hiệu, bà con vui mừng trên boong tàu hét lớn: “Hoan hô đài anh Lưu! Hoan hô đài anh Lưu! Từ nay chúng ta liên lạc được với đất liền rồi”.

Từ đó, nhà anh Lưu luôn là nơi bà con ngư dân và thân nhân của họ ở các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hòa Lộc, Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) gửi gắm niềm tin yêu. Lúc thì các tàu, thuyền đang đánh bắt hải sản bị trục trặc máy cần tàu bạn ứng cứu, lúc thì bố mẹ của ngư dân nào đó bị ốm nặng cần báo cho con ngoài khơi xa... Họ đều chạy tới, gọi về anh Lưu.

Mới đây, anh Lưu đã mua sắm được một hệ thống đài thông tin mới tương đối hiện đại gồm: một máy ICOM IC 710 (do Nhật Bản sản xuất) có công suất 150W, cục phối AT 130, ăngten cao 10m, cục nguồn, ăcqui, loa phóng thanh. Tổng số tiền đầu tư cho hệ thống đài này gần 30 triệu đồng. Hiện đài thông tin của anh Lưu đã được Cục Tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Bưu chính - viễn thông) cấp giấy phép (số 65199/GP), hoạt động trên các tần số sau: 7903 kHz; 7906 kHz và 7960 kHz.

Các tàu, thuyền đánh cá ở khu vực Bạch Long Vĩ, đảo Cát Bà (Hải Phòng) đều có thể thu được tín hiệu qua các tần số trên. Đây là các tần số phục vụ công tác cứu nạn; phòng chống tội phạm trên biển; thông tin giữa các tàu, thuyền; chuyển tải bản tin dự báo thời tiết... mà các tàu, thuyền đánh cá của Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình thường xuyên sử dụng.

Lòng say mê đến lạ

“Trụ sở” đài thông tin anh Lưu

Suốt ngày anh ấy ngồi miết bên đài ghi ghi chép chép, ghi âm, rồi đọc cho bà con ngư dân đang ngoài biển nghe. Nhiều hôm bị nhiễm sóng điện từ, ánh ngất ngay bên bàn máy luôn. Đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu, lúc tỉnh dậy anh còn nhắc: “Sao em không ở nhà trực máy giúp anh, nhỡ có thông tin từ tàu ngoài khơi gọi thì sao” - chị Trần Thị Xuân, vợ anh, kể cho chúng tôi nghe về công việc thường ngày của chồng mình.

Còn anh Lưu nhoẻn miệng cười, nói: “Mê thì làm thôi chứ có tính công tính của gì đâu. 17 năm nay tôi bỏ công làm việc này, nhọc có, thiếu thốn có nhưng vui. Không vui sao được khi mình đã giúp được hàng chục nghìn lượt ngư dân trong và ngoài tỉnh khi ra khơi”.

Rất nhiều ngư dân ở xã Ngư Lộc đã coi anh Lưu là ân nhân. Anh Mai Văn Hải ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc kể lại: “Hôm đầu tháng sáu đây, tàu chúng tôi đang đánh cá trên vùng biển Đông thì bị chết máy, hỏng chân vịt, hệ thống điện trục trặc. Con tàu cứ chao đảo chực chìm, anh em một phen hú vía. Tôi sực nhớ tới đài thông tin anh Lưu, vội dùng bộ đàm gọi vào bờ xin cứu nạn.

Nghe được giọng của anh Lưu liền: “Bình tĩnh đi, neo giữ tàu lại, tôi sẽ gọi tàu bạn đến”. Khoảng vài chục phút sau, ba tàu của Ngư Lộc, Minh Lộc đánh cá quanh đó đã đến ứng cứu, đưa tàu tụi tôi vào đất liền. Mấy anh em trên tàu đến cảm tạ anh Lưu, nhưng anh ấy chỉ nhận những cái bắt tay nồng ấm và cười xòa căn dặn: “Anh em ngoài biển có mệnh hệ gì cứ nhớ đến đài thông tin của tôi là được rồi...”.

Trong cuốn sổ tay, tôi thấy anh Lưu ghi chép cẩn thận những vụ cứu nạn trên biển: Ngày 25-10-2005, thông tin cho các tàu đến cứu nạn tàu của ông Nguyễn Văn Khanh (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc) khi tàu này bị hỏng bánh lái. Ngày 5-11-2005, cứu nạn tàu của ông Nguyễn Văn Thu (thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc) khi bị hỏng chân vịt... Tối 26-1-2006, tàu TH 0098 của anh Nguyễn Văn Cường (thôn Minh Thắng, xã Minh Lộc) đang ở ngoài khơi, kêu cứu, thông tin cho năm tàu đến ứng cứu, cứu sống 11 ngư dân đang kiệt sức vì phải gồng mình chống chọi với từng đợt sóng ngầm chực xẻ đôi con tàu bị chết máy...

Trao đổi với chúng tôi về việc làm của anh Lưu trong những năm qua, ông Nguyễn Trọng Dưỡng, chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: “Mỗi năm anh ấy đã truyền đi hàng nghìn thông tin cần thiết cho thân nhân các gia đình có người đi biển, tham gia tích cực vào việc cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đến nay, dù chưa có chế độ, chính sách gì nhưng anh Lưu vẫn miệt mài với công việc của mình”.

Khi chia tay với “đài thông tin anh Lưu”, tôi thấy chị Xuân đang sắp lại một chồng sách vở cũ. “Năm học mới này cu út sẽ vào lớp 1 nhưng chưa mua sắm gì được. Vừa rồi dành dụm được chút ít anh ấy gom hết đổ vào mua sắm thiết bị cho đài thông tin...” - chị Xuân vừa cười nói với tôi vừa cắt lại từng mảnh giấy trắng còn thừa ở các cuốn vở cũ để đóng thành cuốn vở mới...

Tin, ảnh: HÀ ĐỒNG

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video