Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Thành phố Luxembourg, những phố cổ và công sự của Luxembourg là Di sản văn hóa thế giới năm 1994.
Thành phố Luxembourg là thủ đô của Đại Công quốc Luxembourg, đây là một trong những quốc gia nhỏ nhất Châu Âu với diện tích chỉ có 2.586 km2 và khoảng 513.000 dân.
Mặc dù có diện tích rất nhỏ và dân số ít như vậy nhưng Luxembourg lại là một trong những quốc gia giàu có và phát triển vào loại nhất trên thế giới. Thủ đô Luxembourg nằm ở trung tâm của Tây Âu, phía Nam thành phố là nơi hợp lưu của các con sông Alzette và Petrusse, là một trung tâm hành chính và ngân hàng, nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Liên minh Châu Âu. Đại công quốc Luxemborg có người đứng đầu là công tước, đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới vẫn còn duy trì chế độ Công tước lớn.
Phố cổ của Luxembourg rất nhỏ, chỉ đi mất chừng vài phút. Ấn tượng đặc biệt là dấu vết lịch sử của thành phố cho thấy trước đây thành phố này được xây dựng trên một quả núi. Luxembourg được xây dựng bởi người Frank vào thời kỳ đầu Trung cổ. Frank vốn là một liên minh bộ lạc được cho rằng đã từng sống ở hạ lưu sông Rhine vào thế kỷ thứ 3. Phía trong các phố cổ vẫn còn những lâu đài được xây dựng đã hàng trăm năm. Những đường hầm bên dưới các lâu đài được xây để phòng thủ, đầu tiên do người Tây Ban Nha xây dựng sau đó đến những người Pháp tiếp túc mở rộng. Qua nhiều trận chiến cũng như những biến động lịch sử, hệ thống phòng thủ xung quanh thành phố được sủa chữa, gia cố tạo thành một hệ thống hào tự nhiên rất vững chắc.
Thành phố Luxembourg có nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp mang những dấu ấn lịch sử, văn hóa như pháo đài, cầu cổ, phố cổ, quảng trường và các lâu đài, trong đó có những công trình chung được gọi là công sự.
Nằm bên dòng sông Alzette là một pháo đài lớn nằm trên vách núi, ba mặt được bao bọc bởi dòng sông. Pháo đài được xây dựng chủ yếu từ đá và là một công trình rất kiên cố của Luxembourg. Chiếc cầu hai tầng kết nối với thành phố cổ là một phần quan trọng của các công sự. Cây cầu này được xây dựng năm 1735 bởi người Áo. Mặc dù có một hệ thống hào bảo vệ và pháo đài vững chắc song thành phố này đã từng bị vây hãm và phá hủy nhiều lần, mãi đến năm 1944 mới thực sự được giải phóng.
Ở Luxembourg còn có một đoạn hầm ngầm nổi tiếng có tên gọi là Casemates, đoạn hầm ngầm này có tổng chiều dài 23 km và sâu đến 40m. Trước đây, hầm ngầm này là chỗ ở của hơn 1.200 người với hơn 50 giáo luật. Mặc dù là hầm nhưng Casemates có đầy đủ tiện nghi không thua gì một lâu đài. Ở đây có phòng lớn dành cho các cuộc hội họp, có nhà bếp, lò sản xuất bánh, có chỗ dành cho ngựa... Khi mà các bề mặt của các công sự đã bị hư hỏng được chính quyền cho tháo dỡ vào năm 1875 thì hầu hết đoạn đường hầm này đã bị hư hỏng chỉ còn lại khoảng 17 km lối đi. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, đoạn hầm này được sử dụng như một nơi trú ẩn và có khả năng chứa tới 35.000 người. Năm 1933, Casemates được chính quyền Luxembourg cho sửa chữa và mở cửa cho khách thăm quan. Trong hai năm 2008 – 2009, Casemates tiếp tục được sửa chữa và được mở thêm một số phòng trưng bày hiện vật, tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của nó. Hiện nay, trung bình mỗi năm hầm Casemates có khoảng hơn 100.000 lượt khách đến thăm quan.
Năm 2008-2009, hầm được sửa chữa lại và mở thêm 1 số phòng trưng bày tái hiện lịch sử phục vụ khách thăm quan.
Thành phố Luxembourg rất lãng mạn với những kiến trúc cổ, những hệ thống hầm cổ xưa và những ngôi nhà cổ nằm chênh vênh trên các triền núi với nhiều con đường quanh co uốn lượn. Mặc dù trong thành phố có xe taxi nhưng bởi thành phố cổ rất nhỏ nên đi bộ thăm quan là lựa chọn số một với du khách.
Một số điểm tham quan hấp dẫn ở Luxembourg là Cây cầu Adolphe, Lâu đài Vianden, Quảng trường Guillaume II, Lâu đài Esch-sur-Sure và cung điện Grand Ducal – nơi ở từ nhiều đời của gia đình Công tước.
Cầu Adolphe là một biểu tượng quốc gia về nền độc lập của Luxembourg, đồng thời là một trong những điểm du lịch hấp nhẫn nhất xứ công quốc. Công trình này được xây dựng năm 1903 do hai kiến trúc sư French Paul Séjourné và Paul Rodange thiết kế. Khách du lịch đến không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp lối kiến trúc mái vòm mà còn ngắm nhìn cảnh đẹp như tranh bên cây cầu.
Lâu đài Vianden – một trong những công trình điển hình mang phong cách kiến trúc Romanesque nằm ngay tại vùng Vianden, phía đông bắc Luxembourg. Được xây dựng vào thời hoàng kim của kiến trúc Gothic châu Âu và được phục hồi vào khoảng thế kỷ thứ 10, 11. Vianden là kho tàng lịch sử cổ kính và lãng mạn nhất tọa lạc trên vùng núi đồi thiên nhiên xanh mướt.
Quảng trường Guillaume II nơi mang tên vị hoàng đế tài ba của Luxembourg
Quảng trường Guillaume II lại là một không gian tuyệt đẹp khác. Ngay từ những bước đầu tiên bước vào quảng trường là hình ảnh bức tượng bằng đồng của vị vua chinh phạt nước Anh William II (1056 – 1100), kế đó là Đại sảnh City Hall, nơi thường diễn ra những buổi biểu diễn âm nhạc thường niên ngoài trời cùng rất nhiểu tu viện và nhà thờ cổ bao quanh. Là trái tim và linh hồn của thành phố Luxembourg, quảng trường rộng lớn mang tên vị hoàng đế tài ba Guillaume II (1888 – 1918) mang tầm quan trọng lớn đối với lịch sử và xã hội Đại công quốc Luxembourg ngay từ thế kỷ 13.
Đứng sừng sững, hiên ngang bên thị trấn nhỏ cùng tên miền tây bắc Luxembourg, phần còn lại của tòa lâu đài chiến lược Esch-sur-Sure trở thành địa danh du lịch hấp dẫn vào hàng bậc nhất của đất nước có những câu chuyện lịch sử đầy thú vị. Xây dựng năm 927, tòa lâu đài Esch-sur-Sure mang đậm phong cách Romanesque và Gothic này như bừng sáng bên dòng Sure xanh mướt mỗi khi đêm về.
Cung điện Grand Ducal nơi ở của Đại Công tước Luxembourg
Nằm ngay tại trung tâm thủ đô Luxembourg, cung điện Grand Ducal là đại dinh thự cho nhiều đời Đại Công tước Luxembourg – Người đứng đầu thể chế nhà nước sinh sống và làm việc. Ngày nay, cung điện nguy nga, rộng lớn này là nơi cả gia đình Đại Công tước sinh sống, đồng thời là nơi Công tước sắp xếp và đón tiếp các quan khách chính trị trên thế giới.
Mặc dù là một quốc gia bé nhỏ cả về diện tích lẫn dân số nhưng Luxembourg không hề bị lu mờ bởi các nền văn hóa, nghệ thuật của các quốc gia láng giềng. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Luxembourg không bao giờ quên việc giữ gìn các giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc. Bởi vậy mà trong hai năm 1995 và 2007, thành phố này đã được ưu tiên chọn là Thủ đô Văn hóa của Châu Âu.