Thấy lại thiên thạch nguy hiểm “mất tích” hơn 40 năm

Sau 47 năm mất dấu, các nhà thiên văn học đã tìm thấy lại thiên thạch 6344 P-L, một trong những vật thể vũ trụ nguy hiểm tiềm tàng đối với Trái Đất. Điều thú vị là thiên thể “lưu lạc này” lại chính là tiểu hành tinh mới được khám phá trong năm nay và đã được đặt tên mới là 2007 RR9!

Thiên thạch này có đường kính khoảng 207 mét. Thiên thạch 6344 P-L di chuyển với vận tốc khoảng 15 km/giây, theo một quỹ đạo cách quỹ đạo Trái Đất khoảng 0,05 đơn vị thiên văn, tức khoảng 7.480.000 km.

2007 RR9 không có dấu hiệu đe dọa Trái Đất trong tương lai gần. Tuy nhiên, qua thời gian, thiên thạch này sẽ thay đổi quỹ đạo và có thể va vào hành tinh của chúng ta. (Ảnh: Space)

6344 P-L được nhà thiên văn học Hà Lan Ingrid van Houten-Groeneveld phát hiện vào ngày 24/9/1960 và được liệt vào danh sách “Tiểu hành tinh nguy hiểm tiềm tàng” đối với Trái Đất. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hiện, các nhà thiên văn đã mất dấu tiểu hành tinh này, khiến cho giới khoa học có cảm giác lo sợ về “hành tung” của nó.

Gần đây, sau khi nghiên cứu kỹ “lý lịch” và hoạt động của 2007 RR9, nhà thiên văn Peter Jenniskens, thuộc Học viện SETI (Hoa Kỳ), đã khẳng định tiểu hành tinh này chẳng phải là phát hiện mới mẻ gì, mà đó chính là 6344 P-L được khám phá cách đây 47 năm.

Khẳng định của ông Jenniskens đã được xác nhận bởi Trung tâm Hành tinh nhỏ của Đài quan sát Vật lý thiên văn Smithsonian ở Cambridge, MA, Hoa Kỳ. Ông Jenniskens phát biểu: “Vật thể này từ lâu đã được xếp vào loại nguy hiểm cho Trái Đất, nhưng trong một thời gian quá dài, không ai biết được nó đang ở đâu để theo dõi”.

Theo ông Jenniskens, tuy được gọi là “tiểu hành tinh”, nhưng 6344 P-L không phải là một tiểu hành tinh theo đúng nghĩa, mà thực chất là mảnh vỡ của một nhân sao chổi đã nổ tung vào một thời điểm cách đây không xa lắm.

6344 P-L (tức 2007 RR9 hiện nay) là một trong số 886 tiểu hành tinh có đường kính lớn hơn 150 mét. Tuy nhiên, các nhà thiên văn chưa cho biết kích thước chính xác của 6344 P-L, chỉ ước tính từ 250 – 560 mét theo đường kính. Cứ mỗi 4,7 năm, 2007 RR9 sẽ xoay trọn 1 vòng quanh Mặt Trời, theo một quỹ đạo hình oval mang nó đến gần sao Mộc. Do đó, thiên thạch này còn được gọi là “sao chổi thuộc nhóm sao Mộc”.

Sơ đồ vị trí các thiên thể do NASA lập ngày 6/10/2007, 2007 RR9 đang ở gần Trái Đất theo đơn vị thiên văn. (Ảnh: NASA)

Chuyên gia Gareth V. Williams, thuộc Trung tâm nghiên cứu Hành tinh nhỏ, cho biết 2007 RR9 sẽ lướt ngang Trái Đất vào ngày 6/11/2007, ở khoảng cách 0,07 đơn vị thiên văn, tức 10.472.000 km. Khi đó, vị trí của thiên thạch sẽ thuộc vĩ độ cao ở Nam bán cầu, nhưng do quá mờ nên nó không thể được nhìn thấy từ Trái Đất bằng mắt thường.

Theo sơ đồ vị trí các thiên thể do NASA lập ngày 6/10/2007, 2007 RR9 đang ở gần Trái Đất theo đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn = 149.597.870,691 km).

Theo nhận định của các chuyên gia, 2007 RR9 không có dấu hiệu đe dọa Trái Đất trong tương lai gần. Tuy nhiên, qua thời gian, thiên thạch này sẽ thay đổi quỹ đạo và có thể va vào hành tinh của chúng ta.

Quang Thịnh
Theo Space, Wired Science, News Sawf, VNN

Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video