Khu vực phía tây Bắc Mỹ, châu Á và một số nơi khác sẽ quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần, hay còn gọi là "trăng máu", vào ngày 4/4.
Nguyệt thực toàn phần đầu tiên trong năm 2015
Mặt Trăng đi qua bóng Trái Đất trong hiện tượng nguyệt thực toàn phần năm 2000. (Ảnh: Akira Fujii, Sky & Telescope)
"Trăng máu" là một hiện tượng hiếm, chỉ xuất hiện trong pha trăng tròn và khi Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời ở vị trí ngang hàng. Hiện tượng thường xảy ra hai lần trong năm và chỉ có thể được nhìn từ một bên bán cầu của Trái Đất.
Trong giai đoạn che khuất hoàn toàn, ánh sáng Mặt Trời chiếu xuyên qua vòng khí quyển bụi của Trái Đất sẽ bị bẻ cong, khúc xạ về phần màu đỏ của quang phổ và phủ bóng lên bề mặt Mặt Trăng. Do đó, đĩa Mặt Trăng sẽ đi từ màu xám đen trong pha một một phần sang màu vàng đỏ trong pha toàn phần.
Màu sắc Mặt Trăng pha toàn phần có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào lượng bụi trong bầu khí quyển Trái Đất thời điểm đó. Núi lửa hoạt động phun tro bụi lên cao có thể tác động đến "trăng máu". Trước nguyệt thực, không ai có thể đoán được màu sắc chính xác.
Những nơi quan sát được "trăng máu"
Nguyệt thực toàn phần ở Taguig, thành phố thuộc vùng đô thị Manila, Philippines, hồi tháng 10 năm ngoái. (Ảnh: Reuters)
Nguyệt thực toàn phần ngày 4/4 sẽ là hiện tượng thứ ba trong nhóm 4 nguyệt thực xuất hiện trong hai năm. Kiểu hiện tượng này sẽ không lặp lại trong vòng 20 năm nữa hoặc lâu hơn. Hai lần đầu xuất hiện hồi tháng 4 và tháng 9 năm ngoái, và nguyệt thực cuối cùng sẽ được quan sát vào 28/9 năm nay.
Theo các nhà khoa học, đây là là hiện tượng nguyệt thực mà Mặt Trăng chuyển màu trong pha che khuất ngắn nhất của thế kỷ này. Phần ngoạn mục nhất là giai đoạn che khuất hoàn hoàn, khi bóng Trái Đất hoàn toàn bao phủ Mặt Trăng và nó chuyển sang màu đỏ. Mặt Trăng sẽ chỉ đi men theo vùng tối của (umbra) Trái Đất và che khuất hoàn toàn kéo dài 9 - 12 phút.
Khu vực phía tây của Bắc Mỹ sẽ chiêm ngưỡng được hiện tượng này trên bầu trời ngày mai. Trong khi đó, người quan sát ở vùng đồng bằng và đông duyên hải của Mỹ sẽ nhìn thấy nửa đầu khi Mặt Trăng bắt đầu bị bóng Trái Đất bao trùm.
Người dân ở châu Á, Ấn Độ, phía tây Trung Quốc, Nga, Australia và Thái Bình Dương có cơ hội nhìn thấy nửa thứ hai của hiện tượng "trăng máu". Tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể quan sát nguyệt thực toàn phần trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Khu vực châu Phi, châu Âu và Trung Đông nằm ở nửa bên kia của Trái Đất, do đó sẽ không nhìn thấy nguyệt thực.
Khác với nhật thực, người quan sát có thể chiêm ngưỡng nguyệt thực an toàn bằng mắt thường.
Đồ họa cho thấy vị trí của Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng khi hiện tượng nguyệt thực diễn ra. (Đồ họa: Timeanddate)