Các nguy cơ nảy sinh xung đột bạo lực liên quan tới nguồn nước sạch sẽ tăng lên cùng với tốc độ tăng của dân số thế giới và hiện tượng ấm lên của khí hậu toàn cầu.
Cảnh báo trên được các chuyên ra đưa ra tại Hội nghị quốc tế nhân "Ngày nước thế giới" (22.3) vừa qua.
Các chuyên gia nhận định, dân số thế giới sẽ có thể lên tới con số 9 tỷ người trong giai đoạn từ nay tới năm 2050, khiến nhu cầu tiếp cận nguồn nước thực sự đã và đang là vấn đề nghiêm trọng. Nhu cầu về nước, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng của dân số thế giới.
Nguồn nước khan hiếm có khả năng gây ra những cuộc xung đột trên thế giới.
Theo số liệu được công bố gần đây của LHQ và các tổ chức môi trường quốc tế, với dân số hơn 4 tỷ người, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ xung đột vì nguồn nước khi các cộng đồng dân cư trong khu vực phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu này.
Các nước như Maldives, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan, Afghanistan và Philippines đang phải đối phó với nạn thiếu nước vì nguồn cung cấp bị sụt giảm hoặc dân số gia tăng.
Tại châu Phi, lục địa khô cằn nhất thế giới, năm ngoái, 4 nước Đông Phi ở thượng nguồn sông Nile gồm: Ethiopia, Tanzania, Uganda và Rwanda, đã ký kết một hiệp ước nhằm mang thêm nguồn nước từ sông Nile (phần lớn chảy ngang qua Ai Cập) về cho họ để làm thủy điện và thủy lợi. Đây là một hành động bị Ai Cập và Sudan cực lực phản đối.
Ba nước thượng nguồn còn lại chưa tham gia Hiệp ước là Burundi, Congo, và Kenya. Hiện Ai Cập và Sudan sử dụng đến 90% nguồn nước sông Nile. Các nước còn lại ở thượng nguồn đều cho rằng điều đó là bất công và họ muốn có một thỏa ước chung mới, nhưng không đạt được kết quả gì sau 13 năm đàm phán với Ai Cập và Sudan.
Theo BBC, có thể bùng nổ một cuộc chiến tranh nếu như 9 nước châu Phi không thể thỏa hiệp về chia sẻ nguồn nước.