Lũ chuột, một khi bị cô lập, sẽ trở mặt với nhau. Nhưng sự thật vốn đúng với loài chuột này liệu có đúng với ca loài người không?
Chú chuột cô đơn
Lông trắng. Mũi hồng. Có đuôi. Chú chuột này vừa tròn ba tháng tuổi. Chú đã ở trong chiếc lồng của mình được bốn tuần trong một khoang thời gian cô độc cưỡng chế. Nhưng hôm nay, chú sẽ có một vị khách.
Một con chuột mới được đưa vào chiếc lồng của chú. Chú chuột “của chúng ta” quan sát nó từ đầu đến chân. Có “một mẫu hình ban đầu được gọi là hoạt động khám phá”, theo cách nói của các nhà nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm này.
Sau đó, đột nhiên chú chuột “của chúng ta” thực hiện một động thái gây sửng sốt. Chú đứng trên hai chân sau, ngoáy đuôi và hung hăng cắn “kẻ xâm nhập”, vật nó xuống đất. Cuộc chiến sau đó - tàn bạo, dữ dội và được thúc đẩy đơn giản bởi sự xuất hiện của một con chuột thứ hai - được các nhà nghiên cứu quay video lại.
Đây không phải là lần đầu tiên họ chứng kiến chuyện này. Trong hầu hết các trường hợp, một con chuột càng bị cách ly lâu bao nhiêu, nó càng hung dữ với kẻ mới đến bấy nhiêu.
Vì vậy, lũ chuột, một khi bị cô lập, sẽ trở mặt với nhau. Nhưng sự thật vốn đúng với loài chuột này liệu có đúng với cả loài người không? Liệu cuộc khủng hoảng cô đơn ngày nay, vốn bị hàng tuần, hàng tháng sống trong trong tình trạng giãn cách xã hội và phong tỏa làm trầm trọng thêm, có khiến chúng ta không chỉ trở mặt với nhau mà còn chống lại nhau không? Liệu sự cô đơn có thể không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe mà còn khiến thế giới này trở thành một nơi hung hãn và giận dữ hơn không?
Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự cô đơn và sự suy giảm mức độ thấu cảm. (Ảnh minh họa: BBC).
Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu khoa học liên hệ sự cô đơn ở con người với cảm giác thù địch hướng tới người khác. Điều này một phần bắt nguồn từ một hành động phòng thủ ban đầu, một “sự lùi bước” theo cách giải thích của Jacqueline Olds, giáo sư tâm thần học tại Đại học Harvard.
Những người cô đơn thường sẽ khoác lên mình một lớp vỏ bảo vệ vốn phủ nhận nhu cầu về hơi ấm và sự bầu bạn của con người. Dù có chủ ý hay không, họ “bắt đầu phát đi những tín hiệu, thường là những tín hiệu không lời, báo người khác "hãy để tôi một mình, tôi không cần bạn, biến đi"”.
Ngoài ra còn có một điều gì đó khác đang diễn ra, một điều gì đó mà sự cô đơn gây ra cho não bộ của chúng ta. Một số nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự cô đơn và sự suy giảm mức độ thấu cảm, khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, để hiểu được quan điểm hoặc nỗi đau của họ. Điều này không chỉ được phản ánh trong hành vi mà cả trong hoạt động của não bộ nữa.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng trong não bộ của người cô đơn, mức độ kích hoạt của vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (temporoparietal junction), phần não có mối liên hệ chặt chẽ nhất với sự thấu cảm, sẽ giảm khi đối mặt với sự đau khổ của người khác, trong khi ở người không cô đơn, mức độ kích hoạt của não bộ sẽ tăng lên.
Cùng lúc đó, vỏ đại não (visual cortex), phần não thường xử lý sự cảnh giác, chú ý và thị giác, của người cô đơn sẽ được kích thích.Điều này có nghĩa là người cô đơn thường phản ứng nhanh hơn - trên thực tế là vài mili giây - trước sự đau khổ của người khác, nhưng phản ứng của họ là chú ý (attentive), chứ không phải nhìn nhận dưới góc độ khách quan (perspectival).
Tương tự việc cơ thể cô đơn tăng cường phản ứng với căng thẳng, tâm trí cô đơn, lo âu và siêu cảnh giác, vận hành theo hướng tự bảo toàn, nhìn quét qua môi trường xung quanh để tìm kiếm các mối đe dọa thay vì cố gắng nhìn nhận mọi thứ từ góc độ của người bị ảnh hưởng.
Tiến sĩ Stephanie Cacioppo, giám đốc Phòng thí nghiệm Động lực học Não bộ của Đại học Chicago, hỏi: “Bạn đã bao giờ đi dạo trong rừng và giật mình nhảy lùi lại vì nhìn thấy một nhành cây trên mặt đất và tưởng rằng đó là một con rắn chưa? Tâm trí cô đơn lúc nào cũng nhìn thấy rắn”.
Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng sự cô đơn không chỉ tác động đến cách chúng ta nhìn nhận thế giới mà còn đến cách chúng ta phân loại nó.
Một nghiên cứu vào năm 2019 được thực hiện tại Trường King’s College London đã yêu cầu 2.000 thanh niên 18 tuổi mô tả mức độ thân thiện của khu dân cư nơi họ sống. Họ cũng hỏi anh chị em của những người tham gia câu hỏi tương tự.
Nói ngắn gọn, những người cô đơn hơn cảm thấy khu họ sống kém thân thiện, gắn kết và đáng tin cậy hơn anh chị em của họ, những người ít bị hành hạ bởi cảm giác bị cô lập hơn. Vì vậy, cô đơn không đơn giản chỉ là một trạng thái cá nhân.