Thiện chiến là vậy, nhưng cá voi sát thủ lại chịu thua trước những "thần hộ mệnh" hiền hòa này

Cá voi lưng gù bảo vệ hải cẩu, cá mặt trăng và nhiều loài khác khỏi "hung thần" đại dương và họ hàng của nó: cá voi sát thủ.

Vào tháng 5 năm 2012, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một bầy cá voi sát thủ tấn công một con cá voi xám và con của nó ở Vịnh Monterey, California (Mỹ). Sau một hồi vật lộn, con cá voi con đã không qua khỏi. Tuy nhiên, điều xảy ra tiếp theo mới làm họ thấy hết sức bất ngờ.

2 con cá voi lưng gù đã có mặt tại "hiện trường" khi cá voi sát thủ (orca) tấn công mẹ con cá voi xám. Nhưng sau khi con con bị hại, khoảng 14 con cá voi lưng gù khác xuất hiện - dường như để "chi viện" và ngăn các "hung thần đại dương" ăn con cá voi non.


Cá voi lưng gù - "thiên thần hộ mệnh" của đại dương.

Alisa Schulman-Janiger, một nhà nghiên cứu cá voi tại Dự án Cá voi Sát thủ California miêu tả lại tình huống lúc đó: "Một con cá voi lưng gù giữ nguyên vị trí bên cạnh thi thể con cá voi non, đầu hướng về nó, đứng cách chỉ một thân cá, kêu lớn và đập đuôi mỗi lần có một con orca tiếp cận nhằm ăn mồi".

Trong suốt 6 tiếng rưỡi, những con cá voi lưng gù kiên trì "trấn giữ" và xua đuổi đám cá voi sát thủ bằng vây chèo và đuôi của nó. Kể cả khi những đàn nhuyễn thể dày đặc xuất hiện gần đó - món ăn khoái khẩu của cá voi lưng gù - chúng vẫn không từ bỏ nỗ lực hay hạ thấp cảnh giác.

Các nhà khoa học không thể hiểu tại sao cá voi lưng gù lại đối diện với hiểm nguy và tiêu tốn quá nhiều năng lượng như thế để bảo vệ một loài hoàn toàn khác. Tuy nhiên, họ biết rằng đó không phải trường hợp riêng lẻ. Từ 1954 đến 2016, đã có 115 trường hợp chạm trán được ghi nhận giữa cá voi lưng gù và người họ hàng của nó là cá voi sát thủ, theo nghiên cứu được đăng trên báo Marine Mammal Science.

Theo Schulman-Janiger, hành vi bảo vệ trên đã lặp lại ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới nhưng màn đối đầu năm 2012 có lẽ là căng thẳng nhất từng thấy.

"Thần hộ mệnh" của đại dương

Giải thích hợp lý nhất về mặt sinh học cho hành vi bảo vệ các loài khác khỏi hàm răng sắc nhọn của orca là, cá voi lưng gù nhận được một lợi ích nào đó. Các nhà khoa học biết rằng mặc dù có quan hệ sinh học khá gần gũi, cá voi sát thủ lại rất ưa thích việc săn cá voi lưng gù.

Tuy nhiên, cơ may của các "hung thần" đại dương chỉ tồn tại khi loài vật khổng lồ kia còn nhỏ. Một khi đã trưởng thành, cá voi lưng gù có thể áp chế cả một đàn cá voi sát thủ với kích cỡ và sức mạnh vượt trội.


Cá voi lưng gù và cá voi sát thủ từ lâu đã nổi tiếng là "kỳ phùng địch thủ'.

Vậy nên, hành động bảo vệ của chúng có thể bắt nguồn từ bản năng giúp đỡ các con non tồn tại qua giai đoạn yếu đuối nhất. Đôi khi, cá voi lưng gù sẽ bảo vệ các con non cùng loài bởi lẽ chúng có tập tính sống gần nhau nếu có quan hệ huyết thống - cá voi con trưởng thành thường ở gần nơi sinh sống của mẹ nó.

Vấn đề là, trong số các cuộc chạm trán với cá voi sát thủ trong hơn 5 thập kỷ qua, chỉ có 11% số lần là để bảo vệ các con cá voi lưng gù con. 89% lần khác, cá voi lưng gù trở thành "hộ mệnh" bảo vệ cho hải cẩu, sư tử biển, cá heo chuột và nhiều loài động vật đại dương khác.

Thậm chí còn có trường hợp cá voi lưng gù cố gắng cứu một cặp cá mặt trăng khỏi trở thành "bữa khai vị" cho bầy cá voi sát thủ.

Tuy nhiên, Schulman-Janiger chỉ ra một dấu hiệu vô cùng thú vị. Không phải mọi cá voi lưng gù đều can thiệp vào công việc săn mồi của orca, nhưng những con có làm thế thì rất nhiều con có mang sẹo từ thời bé - khi chúng phải chống lại orca để sinh tồn. Phải chăng có một yếu tố tâm lý nào đó ở đây khiến chúng "không ưa" những kẻ khát máu và chọn đứng về phe yếu?


Một con hải cẩu đang được "thần hộ mệnh đại dương" che chở khỏi sự tấn công của orca.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những con cá voi lưng gù này phản ứng với tiếng gọi bầy của cá voi sát thủ và lao đến can thiệp; nhiều khi, chúng không biết nạn nhân là loài nào sau khi đã dành rất nhiều năng lượng bơi đến giải cứu. Có vẻ như cá voi lưng gù tin rằng "thà cứu nhầm còn hơn bỏ sót", nếu nạn nhân được giải cứu là con non của nó thì càng tốt, không thì cũng chẳng sao cả.

Một trái tim thuần khiết?

Tuy nhiên, một số chuyên gia về cá voi tin rằng động cơ của chúng có phần phức tạp hơn, liên quan đến lòng vị tha.

Lori Marino, một chuyên gia về trí thông minh của bộ Cá voi nói: "Mặc dù hành động này rất thú vị, tôi không nghĩ việc một thành viên bộ Cá voi giúp đỡ một loài khác là điều gì quá bất ngờ".


Cá voi lưng gù là loài vô cùng thông minh, có khả năng tư duy phức tạp

Bà cũng cho biết cá voi lưng gù là loài vô cùng thông minh, có khả năng tư duy phức tạp, ra quyết định, giải quyết vấn đề và giao tiếp. Nên bà lập luận rằng, trí thông minh như vậy đủ khiến chúng có những phản ứng bác ái với các loài khác.

Điều này được củng cố bởi sự thật là cá voi lưng gù không phải động vật thông minh duy nhất làm "thần hộ mệnh" cho các loài khác. Cá heo cũng nhiều lần được báo cáo là đã hỗ trợ chó, cá voi và thậm chí cả người khỏi hiểm nguy.

Dù cá voi lưng gù có trở thành "hộ mệnh" đơn giản vì lợi ích sinh học hay vì trí thông minh và trái tim thuần khiết, một điều quan trọng là chúng ta vẫn cần học hỏi, nghiên cứu thêm rất nhiều về những sinh vật diệu kỳ này của đại dương.

Cập nhật: 01/09/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video