Xuyên không hơn 13,4 tỉ năm, hệ thống kính viễn vọng siêu đẳng ALMA đặt tại sa mạc tử thần Atacama của Chile đã chụp được hình ảnh của một trong những thiên hà cổ xưa nhất vũ trụ dưới ánh sáng vô tuyến.
Một nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Nagoya và Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản đã đo tuổi của một thiên hà cực kỳ xa xôi mà họ ghi nhận nhờ tín hiệu vô tuyến thông qua Mảng kính viễn vọng vô tuyến ALMA - một trong những hệ thống kính viễn vọng mặt đất siêu đẳng nhất thế giới.
Sự tồn tại của thiên hà này đã được xác định trước đó bởi siêu kính viễn vọng không gian James Webb. Do là một tàu vũ trụ nên James Webb có tầm quan sát rộng hơn, nhưng khi cần soi cụ thể một vật thể xa xôi nào dưới ánh sáng vô tuyến, "mắt thần" của ALMA phát huy thế mạnh.
Hình ảnh vô tuyến của vùng vũ trụ sơ khai và thiên hà cổ xưa nhất từng được tìm thấy - (Ảnh: ALMA).
Bài công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society cho biết thiên hà được đặt tên GHZ2/GLASS-z12 này xa xưa hơn mọi vật thể từng được quan sát và định tuổi trước đó. Khoảnh khắc mà ALMA chụp được nó là lúc vụ nổ Big Bang (13,8 tỉ năm trước) mới chỉ diễn ra được 367 triệu năm.
Cụ thể hơn, ánh sáng vốn mất một thời gian để có thể đến được các thiết bị của người Trái đất, do vậy một vật thể cách xa 13,4 tỉ năm ánh sáng như thiên hà này cũng có nghĩa là ánh sáng để tạo nên hình ảnh của nó cũng mất chừng ấy năm để di chuyển.
Nói cách khác, ALMA đã thành công trong việc nhìn xuyên vào quá khứ, quan sát một vật thể cổ đại vào lúc nó còn trẻ trung, giữa một vũ trụ đang định hình.
"Sự phát xạ vạch sáng cho thấy thiên hà này đã nhanh chóng làm giàu các bể chứa khí của nó bằng các nguyên tố nặng hơn hydro và heli. Điều này cho chúng ta một số manh mối về sự hình thành và tiến hóa của thế hệ sao đầu tiên, cũng như thời gian tồn tại của chúng" - đồng tác giả Jorge Zavala từ Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản cho biết.
Phát hiện đặc biệt này cũng cung cấp nhiều dữ liệu thú vị khác về thế giới luôn bí ẩn với nhân loại - vũ trụ sơ khai - và sẽ còn được các nhóm nghiên cứu quốc tế "chăm sóc đặc biệt".