Ngoài quan sát toàn bộ khuôn mặt, 2 bộ phận cũng có thể tiết lộ tình trạng kinh tế - xã hội giàu nghèo của một người.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội năm 2017 cho thấy chỉ bằng cách nhìn vào một ai đó là bạn có thể biết người đó giàu hay nghèo. Dù mọi người vẫn nói “tiền không mua được hạnh phúc” nhưng hóa ra những người giàu có lại trông hạnh phúc hơn.
“Mối quan hệ giữa hạnh phúc và tầng lớp xã hội đã được chứng minh qua một vài nghiên cứu trước đây”, R. Thora Bjornsdottir, nghiên cứu sinh tại Đại học Toronto (Canada) và là đồng tác giả của nghiên cứu, nói với CNBC Make It.
Nhìn chung, những người có tiền sẽ có xu hướng sống ít lo lắng hơn so với những người phải vật lộn để kiếm sống. Bjornsdottir và nhóm của mình đã chứng minh rằng “những khác biệt về hạnh phúc này thực sự được phản ánh trên khuôn mặt của mọi người”.
Bjornsdottir và cộng sự là giáo sư tâm lý học Nicholas O. Rule (Đại học Toronto, Canada) đã cho 81 sinh viên, thuộc nhiều sắc tộc khác nhau xem ảnh đen trắng của 80 nam giới và 80 nữ giới, độ tuổi từ 18-35 đều không có hình xăm và khuyên. Các bức ảnh đã được lấy từ các trang web hẹn hò.
Một nửa trong số đó là những người kiếm hơn 150.000 USD/ năm, được các nhà nghiên cứu chỉ định là tầng lớp thượng lưu và nửa còn lại kiếm được dưới 35.000 USD/năm là tầng lớp lao động.
Khi những người tham gia khảo sát được yêu cầu đoán tầng lớp của người trong ánh, họ đoán đúng 68%, cao hơn đáng kể so với việc đoán ngẫu nhiên.
4 người bên trái là người có thu nhập cao hơn so với 4 người bên phải.
“Tôi không nghĩ hiệu ứng lại mạnh mẽ như vậy, đặc biệt là khi xét đến sự khác biệt tinh tế trên các khuôn mặt. Đó là phần đáng ngạc nhiên nhất trong nghiên cứu đối với tôi”, giáo sư Rule nói.
Theo nghiên cứu sinh Bjornsdottir, những người tham gia khảo sát ban đầu không nhận thức được những dấu hiệu để đưa ra đánh giá này. “Nếu bạn hỏi họ tại sao, họ không biết. Họ không biết mình đã làm điều này như thế nào”, Bjornsdottir cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã phóng to các đặc điểm trên khuôn mặt của 160 đối tượng nghiên cứu. Họ phát hiện ra rằng nhóm người tham gia khảo sát vẫn có thể đoán chính xác chỉ cần nhìn vào mắt và một manh mối tốt hơn là miệng. Nhưng không bộ phận riêng biệt nào là một chỉ số đáng tin cậy như toàn bộ khuôn mặt.
“Bởi mọi người thường sử dụng miệng để thể hiện những cảm xúc tích cực, như mỉm cười. Còn đôi mắt cũng là dấu hiệu mạnh mẽ về hạnh phúc, đặc biệt là trong quá khứ như vết chân chim quanh mắt thể hiện sự co thắt của cơ lưới mắt, được kích hoạt khi ai đó cười”, Rule giải thích.
Mọi người thường sử dụng miệng để thể hiện những cảm xúc tích cực. (Ảnh minh họa)
Còn Bjornsdottir cho biết hiệu ứng này “có thể là do các kiểu cảm xúc đã khắc sâu vào khuôn mặt của họ theo thời gian”. Sự co rút mãn tính của một số cơ thực sự dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc khuôn mặt của bạn mà người khác có thể nhận ra, ngay cả khi họ không nhận thức rõ ràng được điều đó.
“Theo thời gian, khuôn mặt của bạn sẽ vĩnh viễn phản ánh và tiết lộ những trải nghiệm của bạn,” Rule nói, “Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng bản thân không thể hiện điều gì đó thì dấu vết của những cảm xúc vẫn còn”.
Nói cách khác: Nếu ai đó đã có một cuộc sống nhìn chung là hạnh phúc, sung túc thì người đó trông sẽ hạnh phúc ngay cả khi duy trì một nét mặt được cho là “bình thường”. Nhưng khi những người trong ảnh cố tình mỉm cười, nhóm sinh viên không còn có thể phân biệt ai giàu và ai nghèo.
Họ cũng nhận ra rằng những người tham gia đều giỏi phân tích giàu nghèo như nhau cho dù họ nhìn vào một bức ảnh bao lâu tùy thích hay chỉ trong nửa giây. Điều này cho thấy rằng những đánh giá như vậy được đưa ra một cách nhanh chóng, có lẽ gần như vô thức trong cuộc sống thực của chúng ta.
Người tham gia đều giỏi phân tích giàu nghèo như nhau cho dù họ nhìn vào một bức ảnh bao lâu. (Ảnh minh họa)
Đánh giá vô thức này cũng được chứng thực một lần nữa trong bài khảo sát. Các đối tượng sinh viên được hỏi ai trong trong ảnh sẽ có khả năng kiếm được công việc kế toán nhất. Nghề này được chọn vì không đặc biệt liên quan đến người giàu hay người nghèo như các công việc đặc thù như quản lý quỹ phòng hộ hay người dọn dẹp nhà. Tuy nhiên, những người tham gia có xu hướng chọn những người giàu có nhiều khả năng nhận được công việc kế toán hơn.