Hiểu được cách trầm tích và đá dưới đáy biển tương tác với các chất lỏng và khí xung quanh là vấn đề không đơn giản. Nhưng một thiết bị do các chuyên gia Mỹ chế tạo sẽ giúp giải quyết khó khăn này.
Thiết bị do nhóm chuyên gia thuộc Đại học Illinois ở Chicago (Mỹ) chế tạo có thể sao chép môi trường dưới đáy biển bên trong một khoang nhỏ, và nghiên cứu các mẫu vật bên trong khoang này bằng tia X-quang dưới những điều kiện khắc nghiệt. Các nhà nghiên cứu cho biết, khoang môi trường có thể mô phỏng áp suất biển sâu tới 1.000 atmosphere, sánh được với các phần sâu hơn của đại dương, ở nhiệt độ từ 0 tới 200oC.
Môi trường biển sâu vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn mà con người cần nghiên cứu
Ông Stephen Guggenheim, giáo sư chuyên ngành khoa học môi trường và trái đất và là một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết đây là thiết bị đầu tiên thu được thành công các dữ liệu tia.
X-quang dưới những điều kiện khắc nghiệt như vậy. Các hình mẫu của thiết bị đã được tạo ra cách đây khoảng 10 năm và giờ đây được nhóm nghiên cứu cải tiến bằng cách thử nghiệm một số công nghệ mới và sử dụng kim loại bền hơn để chế tạo khoang. Nhiễu xạ X-quang được sử dụng để xác định thành phần của các vật liệu phản ứng trong khoang và để nghiên cứu hiệu ứng của môi trường đáy biển.
Nhóm nghiên cứu cho biết, một khoản tài trợ mới của Quỹ Khoa học quốc gia sẽ tạo điều kiện cho họ tiếp tục cải tiến thiết bị này, bổ sung thêm các van bơm và thải để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều khiển mẫu vật. Thiết bị này giúp các nhà nghiên cứu quan sát được sự tương tác giữa các chất khoáng với nước biển và với những chất khí mà họ cho vào, chẳng hạn như carbon dioxide hoặc methane. Đồng thời, nhóm nghiên cứu còn có thể thực hiện các thí nghiệm lâu tới hằng tháng để quan sát những hiện tượng sẽ diễn ra.
Cũng theo các nhà khoa học Mỹ, thiết bị của họ có thể được sử dụng để nghiên cứu liệu việc cô lập carbon dioxide thừa dưới biển sâu lâu dài có được thực hiện một cách an toàn hay không. Cô lập carbon dioxide đang được xem xét như một cách để đối phó với tình trạng ấm dần lên toàn cầu.