Đại học Osaka sử dụng tế bào gốc lấy từ bò Wagyu để in 3D thịt thay thế chứa cơ, chất béo và mạch máu sắp xếp giống miếng bít tết thông thường.
Máy in 3D sinh học tạo ra thịt bò nhân tạo. (Video: Đại học Osaka)
Bò Wagyu nổi tiếng khắp thế giới với lượng mỡ giắt cao, còn gọi là vân mỡ cẩm thạch hay sashi. Loại vân mỡ cẩm thạch này đem đến cho thịt bò Wagyu hương vị đậm đà và kết cấu riêng biệt. Tuy nhiên, cách chăn nuôi bò hiện nay thường được cho là kém bền vững liên quan đến khí thải. Hiện nay, các loại thịt nuôi cấy có sẵn chủ yếu bao gồm tế bào sợi cơ sắp xếp đơn giản nên không thể mô phỏng cấu trúc phức tạp của bít tết bò thật.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Đại học Osaka sử dụng in 3D để tạo ra thịt nhân tạo trông giống thịt thật hơn. "Sử dụng cấu trúc mô của thịt bò Wagyu như một bản vẽ kỹ thuật, chúng tôi đã phát triển phương pháp in 3D có thể sản sinh cấu trúc phức tạp như sợi cơ, chất béo và mạch máu", trưởng nhóm nghiên cứu Dong-Hee Kang, cho biết.
Để vượt qua khó khăn, Kang và cộng sự bắt đầu với hai loại tế bào gốc gọi là tế bào gốc cơ của bò và tế bào gốc từ chất béo. Trong điều kiện phù hợp ở phòng thí nghiệm, những tế bào gốc đa năng có thể điều chỉnh để phát triển thành mọi loại tế bào cần thiết nhằm sản xuất thịt nuôi cấy.
Thịt bò Wagyu in 3D. (Ảnh: Đại học Osaka)
Các sợi riêng biệt gồm cơ, chất béo và mạch máu được tổng hợp từ những tế bào này, sử dụng phương pháp in 3D sinh học. Sau đó, nhóm nghiên cứu sắp xếp sợi theo dạng 3D, căn cứ vào cấu trúc mô học. Quá trình cho phép dựng lại cấu trúc mô thịt phức tạp tùy ý.
"Bằng cách cải tiến công nghệ, chúng tôi không chỉ có thể sản xuất cấu trúc thịt phức tạp như vân mỡ cẩm thạch tuyệt đẹp của thịt bò Wagyu mà còn có thể điều chỉnh lượng chất béo và cơ bắp", đồng tác giả nghiên cứu Michiya Matsusaki chia sẻ. Nhờ đó, khách hàng có thể đặt hàng thịt nuôi cấy với lượng chất béo mong muốn, dựa theo khẩu vị và cân nhắc về sức khỏe.