Thở dài được hiểu là một kiểu thở sâu và dài. Nó bắt đầu với một nhịp thở bình thường, sau đó bạn hít một hơi thứ hai dài hơn trước khi thở ra.
Chúng ta thường liên tưởng tiếng thở dài với những cảm giác như nhẹ nhõm, buồn bã hoặc kiệt sức. Bên cạnh việc đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp và thể hiện cảm xúc, thở dài còn cực kỳ quan trọng về mặt sinh lý, đó là duy trì chức năng phổi khỏe mạnh.
Nhưng liệu có ý nghĩa gì chăng khi bạn liên tục thở dài? Đó có phải là một dấu hiệu xấu?
Thở dài quá nhiều
Trung bình, con người thở dài tự nhiên 12 lần trong 1 giờ.
Khi nói đến việc thở dài, nó thường liên quan đến việc truyền tải tâm trạng hoặc cảm xúc. Chẳng hạn, đôi khi chúng ta sử dụng cụm từ "thở phào nhẹ nhõm". Tuy nhiên, hầu hết phản xạ thở dài của chúng ta đều rất tự nhiên. Điều đó có nghĩa là chúng ta không hề kiểm soát thời điểm nó diễn ra.
Trung bình, con người thở dài tự nhiên 12 lần trong 1 giờ. Điều đó có nghĩa là bạn thở dài khoảng 5 phút một lần. Những lần thở dài này được tạo ra trong thân não của bạn bởi khoảng 200 tế bào thần kinh.
Có ý nghĩa gì khi bạn đang thở dài thường xuyên hơn? Gia tăng số lần thở dài có thể liên quan đến một số điều, chẳng hạn như trạng thái cảm xúc, đặc biệt là khi cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng hoặc cũng có thể là do một tình trạng bệnh về hô hấp tiềm ẩn nào đấy.
Thở dài tốt hay xấu?
Nhìn chung, thở dài là tốt. Nó đóng một vai trò sinh lý quan trọng đối với chức năng của phổi. Nhưng chính xác thì nó làm điều đó như thế nào?
Thở dài quá mức có thể chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn nào đó.
Khi bạn thở bình thường, các túi khí nhỏ trong phổi, được gọi là phế nang, đôi khi có thể xẹp xuống một cách tức thời. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi và làm giảm quá trình trao đổi khí diễn ra ở đó.
Thở dài giúp ngăn chặn những tác động này. Bởi vì đó là một hơi thở với lượng lớn khí, một lần thở dài có thể thổi phồng lại hầu hết các phế nang của bạn.
Còn nếu thở dài nhiều hơn bình thường thì sao? Thở dài quá mức có thể chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn nào đó. Đó có thể là tình trạng hô hấp, lo lắng hoặc trầm cảm không kiểm soát.
Tuy nhiên, thở dài cũng có thể giúp bạn nhẹ nhõm hơn. Một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy rằng thở dài thường xuất hiện khi chúng ta cảm thấy khuây khỏa hơn là khi trong tình trạng căng thẳng. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy thở sâu, chẳng hạn như thở dài, có thể làm giảm căng thẳng ở những người nhạy cảm với sự lo lắng.
Nguyên nhân khiến bạn thở dài
Nếu bạn thấy rằng mình đang thở dài khá nhiều, có một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Dưới đây, chúng ta sẽ khám phá một số nguyên nhân tiềm tàng một cách chi tiết hơn.
Stress
Khi bạn gặp căng thẳng về thể chất hoặc tâm lý, nhiều thay đổi sẽ xảy trong cơ thể.
Căng thẳng luôn hiện diện thường trực trong đời sống của chúng ta. Chúng có thể bao gồm những căng thẳng về mặt vật lý như bị đau hoặc gặp nguy hiểm về thể chất, và cũng có thể là những căng thẳng tâm lý mà có thể gặp phải trước kỳ thi hoặc phỏng vấn xin việc.
Khi bạn gặp căng thẳng về thể chất hoặc tâm lý, nhiều thay đổi sẽ xảy trong cơ thể. Đó có thể là nhịp tim đập nhanh hơn, toát mồ hôi và rối loạn tiêu hóa.
Một điều nữa có thể xảy ra khi bạn cảm thấy căng thẳng đó là thở nông hay thở gấp hoặc cũng có thể gọi là giảm thông khí. Nó có thể khiến bạn cảm thấy khó thở và kèm theo sự gia tăng thở dài.
Sự lo lắng
Theo nghiên cứu, thở dài quá nhiều cũng có thể liên quan đến một số rối loạn lo âu, bao gồm rối loạn hoảng sợ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và ám ảnh sợ hãi. Nhưng không rõ liệu thở dài có góp phần cho những rối loạn này hay chính nó là một triệu chứng.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2008 đã phân tích xem liệu thở dài dai dẳng có liên quan đến tình trạng bệnh về thể chất hay không. Mặc dù không có mối liên quan nào được xác định, nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 32.5% người tham gia thực nghiệm trước đó đã trải qua một sự kiện đau buồn, trong khi 25% mắc chứng rối loạn lo âu hoặc rối loạn tâm thần khác.
Phiền muộn
Ngoài cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng, chúng ta cũng có thể thở dài để báo hiệu cho những cảm xúc tiêu cực khác, như là buồn bã hoặc tuyệt vọng. Do đó, những người bị trầm cảm có thể thở dài nhiều hơn bình thường.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2011 đã sử dụng một thiết bị ghi âm nhỏ để đánh giá tình trạng thở dài ở 13 người tham gia bị viêm khớp dạng thấp. Họ nhận thấy rằng việc thở dài tăng dần có liên quan chặt chẽ đến mức độ trầm cảm của những người tham gia.
Tình trạng hô hấp
Thở dài nhiều lần cũng có thể diễn ra cùng với một số tình trạng bệnh về hô hấp. Ví dụ như là hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Ngoài việc thở dài nhiều hơn thì các triệu chứng khác như giảm thông khí hoặc cảm giác thiếu khí và cần thở sâu thêm cũng có thể xảy ra.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Thở dài là dấu hiệu của bệnh tiềm ẩn nào đó cần được điều trị.
Thở dài nhiều có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh tiềm ẩn nào đó cần được điều trị. Hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng thở dài liên tục của bạn có kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Khó thở có liên quan hoặc không phù hợp với độ tuổi hoặc mức độ vận động của bạn
- Khó giải tỏa hoặc kiểm soát stress
- Các triệu chứng lo lắng, căng thẳng, khó tập trung và kiểm soát nỗi lo lắng đó
- Các triệu chứng của bệnh trầm cảm, bao gồm cảm giác buồn bã kéo dài hoặc tuyệt vọng, thiếu năng lượng sống và mất hứng thú với những thứ bạn yêu thích trước đây
- Cảm giác lo lắng, trầm cảm bắt đầu làm gián đoạn công việc, học tập hoặc đời sống cá nhân
- Ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử
Điểm mấu chốt
Thở dài có một chức năng quan trọng trong cơ thể người. Nó có tác dụng làm phồng lại các phế nang đã "xì hơi" trong quá trình thở bình thường. Điều này giúp duy trì chức năng phổi.
Thở dài cũng có thể được sử dụng để truyền đạt nhiều loại cảm xúc. Chúng có thể bao gồm từ cảm giác tích cực như nhẹ nhõm và hài lòng đến cảm giác tiêu cực như buồn bã và lo lắng.
Thở dài quá mức có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như là mức độ căng thẳng gia tăng, lo lắng hoặc trầm cảm thiếu kiểm soát hoặc tình trạng hô hấp.
Nếu bạn nhận thấy sự gia tăng tần suất thở dài kèm theo khó thở hoặc các triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm, hãy đến gặp bác sĩ. Họ có thể làm việc kỹ càng hơn với bạn để chẩn đoán và điều trị tình trạng bệnh.