Một nửa sự thật vẫn có thể là sự thật

  •  
  • 1.888

Có bao nhiêu khám phá khoa học đã không được công nhận chỉ vì chúng không nằm trong số đông lối mòn?

Nhìn thấy một con kiến trong bếp thường làm người ta cảm thấy cảnh giác, lo ngại, bởi vì ta nhìn thấy một con thì ắt hẳn có nhiều con quanh đây, chỉ là ta chưa nhìn thấy mà thôi. Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, và đôi khi đi kèm với những hệ quả lớn hơn nhiều.

Hãy lấy một ví dụ là các khám phá khoa học. Giải Nobel vật lý năm 2019 có một phần được trao cho hai nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz vì phát hiện ra một hành tinh giống sao Mộc quay quanh một ngôi sao giống Mặt trời. Việc tìm kiếm một hành tinh như vậy đã được nhà thiên văn học Otto Struve đề cấp đến từ năm 1952, nhưng phải mất 4 thập kỷ để các nhà thiên văn học số đông công nhận rằng một cuộc tìm kiếm mạo hiểm đối với một hệ hành tinh rất khác so với hệ hành tinh của chúng ta là đáng công sức và thời gian sử dụng kính viễn vọng.

Tương tự như vậy, lý thuyết mới mẻ mang tính cách mạng về sự trôi dạt của các lục địa đã được Alfred Wegener đưa ra vào năm 1912 nhưng đã bị các nhà địa chất chính thống bác bỏ suốt 4 thập kỷ và chỉ được phổ biến sau khi người ta công nhận cơ chế kiến tạo mảng lục địa.

Trong lĩnh vực sinh học, các quy tắc di truyền do Gregor Mendel xây dựng vào năm 1866 đã bị cộng đồng khoa học phớt lờ, sau đó được Hugo de Vries và Carl Correns phát hiện lại ba thập kỷ sau đó và cuối cùng được giải thích bằng hóa học phân tử DNA gần một thế kỷ sau công trình của Mendel.

Một nửa sự thật vẫn có thể là sự thật
Chúng ta nên trân trọng những ai dám suy nghĩ một cách sáng tạo và sử dụng giá trị thực sự thay vì số lượt “thích” trên Twitter.

Những ví dụ như vậy thường được sử dụng để củng cố cho quan điểm rằng phương pháp khoa học có tác dụng và sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng. Nhưng những câu chuyện thành công này phản ánh một sự thiên lệch trong lựa chọn. Đối với tất cả những trường hợp hiếm khi có được kết thúc thành công, thì chắc chắn có rất nhiều trường hợp không bao giờ được chúng ta chú ý bởi vì giá trị của chúng chưa bao giờ được công nhận.

Áp dụng phép ẩn dụ “những con kiến trong bếp”, thì hẳn đã có rất nhiều phát kiến khoa học đã bị dập tắt và những người khởi xướng đã bị vùi dập bởi vì họ là người tiên phong không hề giống ai vào thời của họ. Những sáng kiến này không bao giờ đơm hoa kết trái sẽ gây ra tổn thất ròng cho nhân loại.

Bài học này còn âm vang mãi không chỉ trong suốt cuộc đời làm nghề của các nhà khoa học, mà còn xảy ra với cả những người nghệ sĩ và các tác phẩm sáng tạo của họ. Vincent van Gogh vốn bị coi là một người điên và suốt đời thất bại, nhưng danh tiếng của ông vụt thay đổi trở thành thiên tài bị hiểu nhầm khi các yếu tố về phong cách hội họa của ông được các họa sĩ theo chủ nghĩa biểu hiện nhìn ra mãi nhiều thập kỷ sau khi ông tự sát ở tuổi 37, vào năm 1890.

Ngày nay, tranh của van Gogh nằm trong số những tác phẩm đắt giá nhất. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn Samuel Beckett đã không được xuất bản, vì thế ông đã cất nó đi. Cuối cùng tác phẩm này cũng được xuất bản vào năm 1992, ba năm sau khi ông mất và 13 năm sau khi ông được trao giải Nobel văn học năm 1969. Một ví dụ khác còn kỳ lạ hơn là tiểu thuyết gia lỗi lạc Franz Kafka đã nhờ người bạn của ông là Max Brod đốt hết các tác phẩm văn học của ông sau khi ông chết.

Nếu Brod làm theo ý nguyện đó thì các tác phẩm để đời của Kafka đã vĩnh viễn không còn nữa. Nếu chúng ta có thể kiểm đếm gộp lại thì có bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật và kho tàng văn học đã bị mất theo cách như vậy?

Chọn lọc của Darwin dựa trên nguyên tắc về tính phổ biến ngắn hạn không nhất thiết áp dụng được cho những sáng tạo quan trọng nhất của con người về lâu dài. Thay vì giả định rằng hệ giá trị của chúng ta đã lựa chọn rất tốt những sản phẩm đáng giá nhất của nền văn minh loài người, thì các nhà sử học về nghệ thuật và khoa học nên đào sâu vào những ghi chép trong quá khứ để tìm ra những báu vật đã mất.

Nhận ra “những đứa trẻ chưa chào đời” và nghe được những thông điệp không lời của chúng từ quá khứ sẽ thuyết phục được chúng ta làm tốt hơn trong tương lai. Điều quan trọng nhất là chúng ta không nên sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để bắt nạt những ai khác biệt với mình mà tốt hơn hãy chú trọng sáng kiến mà họ mang đến. Ngày nay, những tranh luận mang tính xây dựng có thể được ghi lại trên mạng với chi phí rất rẻ.

Trong thời đại phân cực đa chiều hiện nay, điều quan trọng là phải trau dồi khả năng chịu đựng những ý tưởng đa chiều, đa dạng. Chúng ta phải học cách lắng nghe và giải thích vì sao chúng ta không đồng ý, đặc biệt là về những vấn đề khoa học, một lĩnh vực mà bằng chứng chính là trọng tài cuối cùng cho các tranh chấp. Năm 1881, trong cuốn sách có tên “Bình minh”, triết gia Friederich Nietzsche đã viết rằng: “cách chắc chắn nhất để làm hư tuổi trẻ là hướng dẫn người đó quý trọng những người suy nghĩ giống nhau hơn là những người suy nghĩ khác biệt”. 

Bài học từ quá khứ có vấn đề của chúng ta rất đơn giản. Chúng ta nên trân trọng những ai dám suy nghĩ một cách sáng tạo và sử dụng giá trị thực sự thay vì số lượt “thích” trên Twitter để đánh giá giá trị kiến thức của họ. Các tổ chức và cá nhân nhà tài trợ nên trao học bổng để hỗ trợ những cá nhân xuất chúng nhưng không có đủ điều kiện kinh tế cũng như môi trường học tập. Nếu chúng ta không cùng nhau hành động, các nền văn minh tiên tiến ngoài vũ trụ đang tìm kiếm sự sống thông minh có thể không đánh giá đúng trình độ của chúng ta và cho rằng chúng ta thuộc hàng không đáng để họ chú ý.

Từ góc nhìn của họ, chúng ta có thể là một dạng sự sống sơ khai và đầy rẫy trong vũ trụ như lũ kiến trong bếp nhà chúng ta. Nếu làm được tốt hơn, chúng ta có quyền loại trừ cách giải thích trên cho việc chúng ta không nhận được tín hiệu gì từ các nền văn minh đó - cái gọi là nghịch lý Fermi.

Cập nhật: 28/11/2020 Theo Dân Trí
  • 1.888