Trận động đất xảy ra vào sáng 6/2 đã phá hủy hệ thống đường ống và cơ sở hạ tầng nông nghiệp, làm dấy lên những lo ngại về ô nhiễm nguồn nước và sự bùng phát dịch bệnh.
Theo đó, con số tử vong sau trận động đất đã vượt quá 41.000 người tính đến ngày 17/2, quốc gia này đang phải đối mặt với những hậu quả môi trường và sức khỏe gây ra từ thảm họa này.
Cụ thể, trận động đất đã làm hỏng mạng lưới đường ống hàng chục tỉnh, thành phố phía Đông Nam quốc gia. Nhiều tổ chức nhân đạo đã phải phân phối nước đóng chai cho những người sống sót và lắp đặt những nhà vệ sinh tạm thời.
Đáng chú ý, việc không được tiếp cận với nước uống và nhà vệ sinh làm tăng nguy cơ dịch bệnh như dịch tả, kiết lỵ hoặc sốt thương hàn, chúng đều lây lan qua nước bị nhiễm phân của bệnh nhân.
Dòng người xếp hàng lấy nước gần các tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/2/2023. (Ảnh: AP).
Mối đe dọa bệnh tả
Sau khi trận động đất xảy ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lo ngại về sự xuất hiện của một "cuộc khủng hoảng sức khỏe thứ cấp", tập trung chủ yếu vào sự lây lan của dịch bệnh.
Giáo sư François-Xavier Weill, Giám đốc Trung tâm Tham chiếu Quốc gia về Rung động và Dịch tả tại Viện Pasteur, Pháp cảnh báo: "Nếu những vi khuẩn này xâm nhập trong nước uống không được kiểm soát về mặt vi sinh học, nó có thể bùng phát và điều kiện vệ sinh không đảm bảo sẽ thúc đẩy sự lan truyền của dịch bệnh".
Ông nhớ lại sự kiện vào năm 2010, nhiều người sống sót sau trận động đất ở Haiti mắc bệnh tả, hàng nghìn trong số họ đã thiệt mạng.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm dịch bệnh này, song tại Syria, quốc gia cũng có hàng nghìn người thiệt mạng từ trận động đất vừa qua đã xuất hiện một dịch tả từ tháng 9/2022 làm dấy lên nhiều lo lắng.
Hiện tại, sóng lạnh hiện đang ảnh hưởng đến Syria, đây là một ưu điểm làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Giáo sư Francois giải thích: "Nhiệt độ âm trong khu vực động đất có thể làm giảm một phần sự lây lan của vi khuẩn qua nước, vì chúng ít hoạt động ở nhiệt độ thấp".
Các chất hóa học
Một tác động lớn khác của động đất đối với môi trường có thể xuất phát từ một đám cháy khổng lồ tại cảng Alexandrette, thuộc tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chấn động đã dẫn đến sự va chạm của hơn 300 container đang nằm tại cảng này, gây nên một đám cháy kéo dài 90 giờ, từ ngày 6 đến ngày 10/2, thải một đám khói đen khổng lồ vào trong môi trường.
Hiện tại, các tổ chức vẫn chưa xác định được các vật liệu trong đám cháy có nguy hiểm hay không, tuy nhiên một nguồn tin Reuters cho biết, chúng là nhựa và hóa chất.
Ngoài ô nhiễm không khí do đám cháy, nước của các đội cứu hỏa dùng để dập tắt có thể làm lây lan các chất hóa học khi chảy xuống cảng biển này, đe dọa môi trường nước.
Ngoài ra, nhà máy điện hạt nhân Akkuyu nằm ở vùng Mersin, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đang được xây dựng bởi công ty Rosatom của Nga đã gây những lo lắng về rủi ro hạt nhân cho cư dân tại khu vực này.
Công trình được xây dựng ngay trên dãy đứt gãy và hứng chịu nhiều chấn động từ trận động đất xảy ra vào đầu ngày 6/2.
Tuy nhiên, Cơ quan An toàn Hạt nhân Thổ Nhĩ Kỳ thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong một báo cáo, không có thiệt hại nào xảy ra tại nhà máy này.