Thủy triều “xâm thực” nhiều thành phố Nhật sau động đất

  •  
  • 415

Khi nước bắt đầu len lỏi trên các tuyến phố gần bờ biển, Yoshiko Takahashi biết đã đến lúc phải nhanh chóng về nhà.

Cứ hai lần một ngày, dòng nước lại dâng lên cho đến khi ngập mắt cá chân, mang theo cả cá, những mảnh vỡ tới trước cửa nhà Takahashi, “chôn chân” mọi người ở trong nhà. Còn những người vẫn đang trên đường phải bì bõm trong nước biển bằng ủng cao su hoặc tránh nước bằng cách đi xe đạp.

Tôi nhìn qua cửa sổ, cảnh tượng giống như nhà cửa của chúng tôi ở giữa đại dương”, Takahashi cho hay. Cô chuyển tới thành phố Ishinomaki này 3 năm trước.

Trận động đất hôm 11/3 tấn công miền đông Nhật mạnh tới nỗi nó kéo toàn bộ đất nước mặt trời ra biển và lún sâu hơn. Các cộng đồng ven biển gần như bị san phẳng giờ đây lại đối mặt với ngập lụt thường xuyên. Ở các thành phố cảng như Onagawa và Kesennuma, thủy triều đến thăm rồi lại rút đi khỏi những căn nhà đổ nát nằm dọc các con phố tịnh bóng người.


Tuyến phố ngập trong nước thủy triều ở thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, ngày 3/5.

Một nhóm dân cư ở thành phố Ishinomaki may mắn thoát khỏi cơn thịnh nộ của sóng thần, nhờ có địa hình đặc biệt. Vì vậy mà nhiều người dân vẫn được sống trong nhà của họ. Nhưng giờ đây họ phải đối mặt với vấn đề hàng ngày: Lụt lội do thủy triều dâng cao, khiến những con phố yên bình mọi khi trở nên nhộn nhịp khác thường khi người dân hối hả trở về nhà trước khi thủy triều dâng cao.

Tôi cố gắng đi mua sắm mọi thứ xong xuôi trước 3h chiều”, Takuya Kondo, 32 tuổi, cho biết.

Hầu hết các ngôi nhà đều nằm ở trên “tầm với” của thủy triều, nhưng xe cộ chạy qua làm nước sóng vào nhà, hệ thống cống rãnh ngập ủm khiến toilet không thể sử dụng được. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng tình trạng này sẽ là vĩnh viễn.

Nửa phía bắc của Nhật Bản nằm trên bình địa kiến tạo Bắc Mỹ. Bình địa Thái Bình Dương, hầu hết nằm dưới biển, thường trượt dưới bình địa Bắc Mỹ, dần dần đẩy nước Nhật về phía tây. Nhưng trong trận động đất hôm 11/3, đoạn tầng giữa hai bình địa bị đứt gãy, bình địa Bắc Mỹ trượt lên trên và ra ngoài, dọc bình địa Thái Bình Dương.

Rìa nhô lên của bình địa đã khiến lòng biển ngoài khơi phía đông Nhật cũng nhô lên, mà theo đo đạc của trường đại học Tohoku là 5m, tạo ra sóng thần tàn phá bờ biển Nhật. Phần bình địa bên dưới Nhật Bản bị kéo thấp xuống khi nó trượt ra phía biển, khiến cả nước Nhật cũng bị kéo xuống.

Một số khu vực tại Ishinomaki bị dịch chuyển sang hướng đông nam 5,3m và lún sâu xuống tận 1,2m.

“Chúng tôi cho rằng hiện tượng trượt ra phía biển này sẽ xảy ra từ từ. Chúng tôi không dự đoán nó sẽ xảy ra mạnh cùng lúc”, Testuro Imakiire, nhà nghiên cứu tại Cơ quan thông tin địa quyển Nhật, cơ quan chịu trách nhiệm khảo sát và vẽ bản đồ của chính phủ, cho biết.

Theo Imakiire, trận động đất mạnh tới nỗi nó dịch chuyển toàn bộ đất nước. Đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng như thế này, khi giới chức trách bắt đầu tiến hành đo đạc vào cuối thế kỷ 19. Tại Tokyo, cách Ishinomaki 340km, nhiều khu vực bị dịch chuyển ra biển 24cm.

Trong khi đó, hiện tượng lún xảy ra mạnh nhất ở quanh Ishinomaki, khu vực gần tâm chấn nhất. Ảnh hưởng của hiện tượng này có thể thấy rõ: các miệng cống bị trồi lên trên phố, cột điện bị lún sâu, khiến dây điện ở ngay trên đỉnh đầu người.

Khi các khu vực xung quanh dọn dẹp đống đổ nát, lên kế hoạch tái thiết, người dân ở khu vực Ishinomaki lại như bị “chết đứng”. Nhà cửa của họ gần như không bị hư hại, không đủ tiêu chuẩn để được nhận bảo hiểm hay hỗ trợ của chính phủ, song hai lần một ngày thủy triều lại viếng thăm đường phố của họ.

Chúng tôi không thể phàn nàn gì, bởi những người khác mất mát rất nhiều”, Yuichiro Mogi, 43 tuổi cho biết.

Trận động đất/sóng thần hôm 11/3 vừa qua đã khiến hơn 25.000 người thiệt mạng và mất tích cùng hàng chục ngàn người mất nhà cửa, tài sản.

Theo Dân trí
  • 415