Vụ phóng tên lửa mạnh nhất thế giới ồn đến mức nào?

  •  
  • 531

Vụ phóng tên lửa SLS trong nhiệm vụ Mặt trăng Artemis I của NASA gây ra tiếng ồn lớn hơn còi xe cứu thương ở khoảng cách 5km.


 (Video: Bob Jacobs)

Theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí JASA Express Letters, vụ phóng bộ đôi tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion trong nhiệm vụ Mặt trăng Artemis I của NASA đã tạo ra âm thanh lớn hơn nhiều so với dự đoán, Space hôm 18/2 đưa tin. Nhóm chuyên gia nghiên cứu độ ồn ghi nhận từ 5 micro lắp đặt trong khoảng 1,5 - 5,2km từ Bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida. Độ ồn ở mỗi micro đều vượt quá mức được dự đoán.

Động cơ tên lửa tạo ra âm thanh răng rắc do sóng xung kích sinh ra từ các ngưỡng áp suất âm thanh mạnh. Theo đồng tác giả nghiên cứu mới Whitney Coyle, độ ồn của Artemis I ở 5 km có tiếng răng rắc lớn gấp khoảng 40 triệu lần so với một bát ngũ cốc Rice Krispies. Ở khoảng cách này, độ ồn là 129 dB - lớn hơn tiếng còi xe cứu thương hay tiếng cưa máy, đủ để gây hại thính giác.

Độ ồn trên 85 dB có thể dẫn đến mất thính giác vĩnh viễn khi tiếp xúc kéo dài, theo Trung tâm Thính lực Cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Vụ phóng Artemis I chỉ kéo dài vài phút và lần phóng SLS tiếp theo còn ít nhất một năm nữa mới diễn ra.

Một trong những lý do khiến vụ phóng Artemis I tạo tiếng ồn lớn như vậy là sức đẩy cực mạnh của SLS - tên lửa mạnh nhất thế giới từng phóng. Tên lửa cao 98 m này có hai bộ đẩy rắn, kết hợp với tầng lõi tạo ra sức đẩy khoảng 4.000 tấn khi cất cánh.


Tiếng ồn của vụ phóng Artemis I ở cách xa khoảng 5km.

Các kỹ sư NASA đoán trước vụ phóng SLS sẽ rất ồn nên đã đổ 1.700.000 lít nước lên bệ phóng để làm giảm âm thanh. Tuy nhiên, SLS vẫn gây ồn vượt mức mà NASA dự đoán trong một đánh giá sơ bộ trước đó. Tiếng ồn cách địa điểm phóng khoảng 5km cao hơn gần 20 dB so với dự kiến.

"Nghiên cứu này là một bước tiến quan trọng nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để hiểu mọi thứ về quá trình tiếng ồn của tên lửa được tạo ra, lan truyền và cảm nhận", nhà vật lý Kent Gee tại Đại học Brigham Young, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.

Cập nhật: 20/02/2023 VnExpress
  • 531