Bạn mắc cỡ vì một vài tật xấu nào đó của mình? Hãy vui lên đi, vì đâu đó ngoài kia vẫn còn nhiều “kẻ” có những tật xấu đáng hổ thẹn hơn bạn rất nhiều! Hãy cùng tạp chí Discovery khám phá những thói hư tật xấu của một số loài động vật.
Bất ngờ với những tật xấu khó đỡ của các loài
Hươu cao cổ
Với chiều cao hơn 6m và cân nặng 1,3 tấn, kích thước của những gã này thật sự đáng nể. Thế nhưng những anh chàng trông có vẻ đỏm dáng trên lại khiến bạn mất cảm tình ngay lập tức vì lúc nào các gã cũng ở trong tình trạng lòng thòng nước dãi, đó là chưa kể đến một cái lưỡi dài đến hơn 45 cm. Nếu không xét đến tính kinh dị về mặt thẩm mỹ của chiếc lưỡi này thì đây là một công cụ đắc lực giúp chúng tuốt lá ở những cành cao, và tuyến nước bọt “khủng” của chúng sẽ giúp dễ tiêu hóa lá cây hơn. Ngoài ra, một “tật xấu” kinh dị khác của hươu cao cổ là chúng còn dùng lưỡi để ngoáy mũi.
Bò
Có khoảng hơn 1 tỷ con bò trên hành tinh của chúng ta. Nếu điều này chưa đủ gây ấn tượng cho bạn thì có lẽ thông tin sau đây có thể khiến bạn phải…bịt mũi: khẩu phần ăn toàn cỏ của chúng khiến cho khí methane sản sinh rất nhiều trong dạ dày; vì vậy chúng phải thường xuyên thải khí này ra ngoài bằng cách…đánh rắm và ợ. Một con bò có thể thải ra đến gần 2 lít khí methane mỗi phút. Có thể bạn cho rằng như vậy thật “đáng hổ thẹn”, nhưng với lượng thức ăn khoảng 40kg mà mỗi con bò có thể tiêu thụ mỗi ngày thì “sản lượng" như vậy không có gì là quá “ghê gớm”.
Hà mã
Loài động vật to xác này có nhiều đặc điểm khá đặc biệt như cân nặng đến gần 2 tấn, thân hình không phủ lông và sở thích tắm bùn để bảo vệ làn da nhạy cảm của mình. Nhưng những đặc điểm trên cũng không thể sánh với sở thích kỳ quặc và rất “mất vệ sinh” của chúng: sau khi tắm bùn xong chúng sẽ trồi lên và dùng hỗn hợp nước tiểu và phân của mình để ném vào nhau. Hành động này được cho là để làm mất mặt đối thủ cạnh tranh và để đánh dấu lãnh thổ của mình.
Chó rừng
Gu ẩm thực của chó rừng có thể khiến bạn...buồn nôn. Món ăn yêu thích của chúng là thịt thối đã phân hủy lâu ngày. Khi sư tử hoặc cọp đã no nê với chiến lợi phẩm của mình, đây là lúc chó rừng lượn lờ để “hưởng sái” phần dư thừa. Thói quen ẩm thực này đã được hình thành từ khi chúng còn nhỏ. Những con bố mẹ sẽ nuôi con của mình bằng cách nôn thức ăn và cho con của chúng ăn; và nếu những đứa con đã no nê mà thức ăn vẫn còn dư thì bố mẹ chúng sẽ chẳng ngại mà ăn lại hết số bã nôn đó.
Dê núi Tahr
Loài dê núi Tahr sống ở phía nam Ấn Độ. Vào mùa sinh sản, con cái sẽ báo hiệu cho con đực biết rằng nàng đang “có hứng" bằng cách…tè lên người anh chàng. Thật là một dấu hiệu “gợi cảm" và “đáng yêu” biết bao!
Gấu Koala
Gấu Koala ngủ 22 tiếng một ngày, và chúng chỉ ăn duy nhất lá cây khuynh diệp – một loại lá đầy độc tố. Bí quyết để chúng có thể tiêu hóa được loại thức ăn này mà vẫn bình an vô sự là nhờ vào một loại vi khuẩn đặc biệt sống trong hệ tiêu hóa giúp chúng khử hết độc tố của lá cây. Tuy nhiên, lúc mới sinh, gấu con lại không có sẵn loại “thuốc giải độc này”; cơ chế giải độc độc đáo này được hình thành từ từ thông qua việc ăn thức ăn do gấu mẹ…nôn ra. Tuy có hơi kinh khủng một chút, nhưng đây rõ ràng là một cách tiêm chủng khá hiệu quả.
Hải sâm
Tuy có họ hàng với loài sao biển nhưng hải sâm không có được vẻ ngoài đáng yêu như người họ hàng của mình. Khi trưởng thành hình dạng của chúng trông như một cây xúc xích mập ú. Thức ăn của chúng là phân và xác động vật chết trôi nổi trong nước biển. Mỗi năm chúng xử lý được khoảng 140 kg loại “rác thải” kể trên.
Điều ngạc nhiên là, mặc dù chúng có khẩu phần ăn kinh dị như vậy nhưng ở một số nơi trên thế giới chúng vẫn được xem là một món cao lương mỹ vị có tác dụng làm tăng khả năng tình dục. Có lẽ là do đặc điểm các con đực của loài này phóng tinh trùng vào nước biển để thụ tinh cho con cái chăng?
Cá mút đá
Hải sâm tuy có hình thù “sở da gà” nhưng nếu so với cá mút đá thì nó vẫn còn đẹp chán! Là một trong những loài có “nhan sắc” tệ nhất dưới biển, cá mút đá vừa mù vừa móm (nó không có 1 cái răng nào), và lại còn có gu ẩm thực “tinh tế”: xác động vật. Nó sẽ chui vào bất cứ cái lỗ nào nó tìm thấy trên xác con vật và rỉa từ trong ra ngoài. Ngoài ra cơ thể chúng rất nhầy nhụa. Chất nhầy này được sử dụng như một hệ thống phòng thủ: khi bị tấn công chúng có thể tiết ra tới hơn 7 lít dịch nhầy này.
Kền kền
Kền kền là đại diện điển hình cho chế độ ăn xác thối. Một trong những đặc điểm của kền kền là đầu thường trọc, không có lông do tập quán ăn thịt xác chết bằng cách thò cả đầu vào xác con vật để ăn thịt nên đầu bị dính máu và dịch xác con mồi, nếu có lông thì sẽ bị dính và khó làm sạch. Đặc điểm này giúp kền kền rửa sạch đầu nhanh chóng ở các con sông gần đấy. Kền kền ít khi tấn công một con thú khỏe mạnh nhưng có thể giết chết những con bị thương hay bị bệnh. Chúng nuốt ngấu nghiến thức ăn khi thức ăn còn thừa thãi cho đến lúc diều căng phồng và ngồi xuống ngủ hoặc gật gù như ngủ để tiêu hóa thức ăn. Chúng không tha thức ăn cho những con chim non của chúng mà ọe ra từ diều để nuôi con. Tập quán ăn uống của loài chim này giúp làm sạch môi trường, đặc biệt là ở những xứ nóng.
Ruồi
Mặc dù được các nhà khoa học đánh giá là loài côn trùng tiến hóa nhất trong thế giới côn trùng, nhưng ruồi cũng có nhiều tập quán sinh hoạt “kém văn minh”. Với sở thích ăn phân động vật, cơ thể chúng lúc nào cũng ngập ngụa các loại vi khuẩn. Khi chúng lẩn quẩn bên bàn ăn, chúng không chỉ "nếm" một chút mà thật sự là chúng…nôn lên đó. Khi đậu lên thức ăn, chúng sẽ nôn ra các loại men tiêu hóa và nước bọt nhằm biến thức ăn đó thành một thứ dịch lỏng để chúng dễ dàng hút qua cái miệng hình ống. Khi không hút hết chỗ thức ăn đã “chế biến” đó, chúng sẽ để lại cho…chúng ta. Đến mùa sinh sản, chúng sẽ đẻ trứng vào những nơi có thịt thối như xác thú vật; những trứng này sẽ nở thành giòi và tiếp tục vòng đời.