Chỉ cần tập thói quen rút phích cắm sau khi dùng, mọi người có thể tiết kiệm một lượng điện lớn hàng ngày trong gia đình.
Mọi người thường lầm tưởng rằng chỉ cần tắt nguồn thiết bị thì chúng sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn và không gây tốn điện. Sự thật là các đồ gia dụng, từ sạc laptop đến tủ lạnh, đầu đọc CD vẫn hoạt động ngầm và sử dụng điện dù đã tắt.
Vẫn tốn điện dù đã tắt
Với máy tính, người dùng chỉ tắt nguồn, tắt màn hình và yên tâm rằng máy đã được tắt toàn bộ. Tuy nhiên, đèn hiệu của CPU đã tắt và màn hình hết sáng nhưng vẫn còn một dòng điện nhỏ chạy qua máy. Đây là dòng điện thường trực, tuy cường độ không lớn nhưng cũng gây lãng phí điện.
Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất để tránh gây lãng phí điện là rút phích cắm ngay sau khi sử dụng. Việc này sẽ giúp không rò rỉ và tiết kiệm điện.
Theo trang web của Bộ Năng lượng Mỹ (Energy.gov), nhiều thiết bị điện tử vẫn “ăn” điện sau khi chúng ta tắt nguồn nhưng không rút phích cắm. Cụ thể, các chức năng bên trong thiết bị như đèn, màn hình vẫn còn hoạt động nên phải tiêu thụ một lượng điện nhất định.
Bộ sạc điện thoại hoặc máy tính vẫn tiêu tốn điện dù không kết nối với thiết bị. Các sản phẩm gia dụng khác như tủ lạnh, máy rửa chén vẫn hoạt động vì có màn hình tự động hiển thị, kết nối với Internet hoặc các bộ điều khiển khác.
Lượng năng lượng bị tiêu thụ khi không sử dụng được gọi là công suất không tải, chiếm khoảng 5-10% công suất tiêu hao điện của thiết bị. Do đó, chỉ cần tập thói quen rút phích cắm mỗi khi dùng xong, các hộ gia đình tại Mỹ đã có thể tiết kiệm 100 USD/năm, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết.
Song, Cnet cho rằng con số này sẽ còn phụ thuộc vào số thiết bị điện có trong mỗi nhà. Cụ thể, một thử nghiệm của Đại học Colorado State đã chỉ ra người dùng sẽ tốn khoảng 4 W nếu có máy radio, đầu đọc CD và băng đĩa trong nhà, dù có sử dụng hay không.
Vì vậy, ngắt điện khi không sử dụng có thể giúp tiết kiệm năng lượng hơn 100 lần trong suốt quá trình sử dụng thiết bị.
Một nghiên cứu khác của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (Natural Resource Defense Council - NRDC) cũng cho biết việc giảm thiểu lượng điện từ các thiết bị có tính năng tự động bật sẽ giúp người dùng tiết kiệm 8 tỷ USD/năm và 64 tỷ kWh điện/năm.
Đồng thời, thói quen này còn giúp con người bảo vệ môi trường hơn như giảm xả 44 triệu tấn CO2 ra ngoài. NRDC còn ước tính trung bình các thiết bị tự động bật thường ngốn đến 165 USD/năm ở các hộ gia đình.
Tập thói quen rút phích cắm
Chính vì vậy, người dùng nên tiết kiệm điện ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi người nên xây dựng ý thức rút nguồn điện máy tính và các thiết bị điện xung quanh mình khi không sử dụng như TV, đầu TV box, máy radio hay đầu đọc CD.
Người dùng nên tắt TV bằng điều khiển, sau đó rút dây nguồn. Nếu không dùng TV trong nhiều ngày hoặc trong điều kiện trời có mưa, giông sét, lời khuyên là hãy tắt TV bằng điều khiển rồi rút nguồn điện.
Khi nhiệt độ trong nhà phù hợp, không cần sử dụng đến điều hòa, người dùng nên rút phích cắm hoặc ngắt cầu dao điện để không gây hao tốn điện, đồng thời tránh trường hợp cháy chập.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên có thói quen rút bộ sạc ngay sau khi sạc thiết bị như điện thoại, máy phát nhạc hay đèn.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng việc rút phích cắm rồi cắm lại khi dùng rất phiền phức, đặc biệt là khi ổ cắm ở những nơi khó với tới. Lời khuyên của Cnet là sử dụng thêm một ổ cắm điện nhiều lỗ. Khi đó, người dùng chỉ cần gạt nút tắt trên ổ cắm là có thể tắt nhiều thiết bị cùng một lúc.
Mặt khác, người dùng cũng có thể cài đặt giờ tắt, mở để thiết bị tự động ngắt nguồn khi cần thiết. Ví dụ, nếu đặt giờ trên TV, thiết bị sẽ chỉ bật vào các thời điểm thường xuyên sử dụng như buổi tối hoặc cuối tuần.
Một giải pháp khác là sử dụng những sản phẩm có nhãn năng lượng tiết kiệm điện. Nhãn dán này giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn.
Bên cạnh đó, ngoài thường xuyên rút phích cắm điện, người dùng cũng nên tập thói quen tắt điện khi không sử dụng hoặc điều chỉnh nhiệt độ phòng hợp lý để tiết kiệm điện.