Thử nghiệm hiệu quả vắc xin phòng virus Zika trên khỉ

Một hỗn hợp gồm 3 kháng thể đã cho kết quả rất tốt trong thử nghiệm phòng virus Zika ở khỉ, hứa hẹn sớm được thử nghiệm trên người.

Theo báo cáo mới đăng trên tạp chí Science Translational Medicine, nhóm nghiên cứu đã xác định được 3 kháng thể rất có tiềm năng là SMZAb1, SMZAb2 và SMZAb5 được lấy từ một bệnh nhân ở Nam Mỹ.

Hỗn hợp gồm 3 kháng thể này được đưa vào cơ thể của 4 vật chủ là các chú khỉ trong phòng thí nghiệm một ngày trước khi các vật chủ bị phơi nhiễm virus Zika được lấy từ một phụ nữ mang thai.

Kết quả theo dõi cho thấy virus Zika đã không có khả năng phát triển và kiểm soát cơ thể vật chủ có các kháng thể nói trên.

Các nhà khoa học không thấy sự tồn tại đáng kể của virus Zika trong mẫu máu của 4 vật chủ trong khi hệ miễn dịch của chúng cũng không hề được kích hoạt. Điều này cho thấy các virus đã bị "khóa" hoàn toàn.

Trong khi nhóm 4 vật chủ khác nhiễm virus Zika nhưng không được tiêm hỗn hợp 3 kháng thể đã phát bệnh trong 7 ngày.

Theo giáo sư David Watkins đến từ Trường Dược Miller thuộc Đại học Miami (Mỹ), đây là một cách can thiệp hiệu quả nhằm ngăn chặn và điều trị lây nhiễm virus Zika trong quá trình mang thai.

Các tác giả mong muốn phát triển loại kháng thể kết hợp này và sớm đưa vào thử nghiệm ở người. Vì các kháng thể an toàn tuyệt đối với con người và thai nhi nên phương pháp này được kỳ vọng sẽ sớm được phát triển để bảo vệ những phụ nữ mang thai và các em bé.


Nhân viên y tế Mỹ bắt muỗi để nghiên cứu tại tây bắc Washington. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Trong khi đó, loại vắc xin phòng Zika do tập đoàn dược phẩm Inovio (Mỹ) và tập đoàn khoa học Geneone Life của Hàn Quốc phối hợp phát triển đã cho kết quả rất thành công trong giai đoạn đầu thử nghiệm ở người.

Theo đó, cơ thể 40 tình nguyện viên khỏe mạnh sau khi được tiêm 3 mũi vắc xin GLS-500 đều sản sinh ra các kháng thể chống lại virus Zika.

Mẫu máu của tình nguyện viên sau đó được đưa vào cơ thể của các cá thể chuột trước khi chúng bị phơi nhiễm virus Zika. Kết quả cho thấy những chú chuột này đều sống khỏe mạnh trong khi một nhóm cá thể chuột khác phơi nhiễm Zika mà không được truyền loại máu có kháng thể đều tử vong.

Không giống các vắc xin thông thường sử dụng những virus đã bị vô hiệu hóa hoặc đã chết, GLS-500 là loại vắc xin tổng hợp được phát triển bằng cách tái sản xuất một số phần trong bộ gene của virus Zika.

Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania, ông Pablo Tebas cho biết kỹ thuật tổng hợp vắc xin dựa trên bộ gene cho kết quả rất nhanh, chỉ mất khoảng 7 tháng kể từ khi vắc xin lần đầu tiên được định hình cho tới khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Sẽ cần thêm các thử nghiệm khác đề khẳng định hiệu quả của vắc xin này khi dùng với người.

Trong các năm 2015 và 2016, virus Zika lây truyền qua muỗi đã hoành hành tại các quốc gia ở Mỹ Latinh, Caribe và phía Nam nước Mỹ, gây ra hàng nghìn ca di tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Zika là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Hồi tháng 11 vừa qua, WHO đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nhưng vẫn cảnh báo virus này có thể tiếp tục bùng phát và lây lan nhanh ở bất kỳ đâu có muỗi mang mầm bệnh.

Tuy dịch Zika đã không còn nguy cấp nhưng các nhà khoa học vẫn tiếp tục nỗ lực nghiên cứu điều chế vắc xin phòng chống căn bệnh này cũng như ngăn ngừa tình trạng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh.

Cập nhật: 06/10/2017 Theo TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video