Thủ phạm gây "bão bom" đang hoành hành ở Mỹ

Sự xuất hiện của khối khí nóng ẩm ngoài biển, khối khí lạnh vùng cực và rãnh áp suất thấp biến Grayson thành trận "bão bom" dữ dội.

Bão Grayson bắt đầu càn quét khu vực miền đông nước Mỹ từ ngày 3/1, trút những cơn mưa tuyết dữ dội khiến truyền thông nước này gọi nó là "bão bom".

"Bão bom" là thuật ngữ khoa học dùng để gọi một cơn bão đột ngột trở nên dữ dội sau khi áp suất khí quyển giảm mạnh, theo Wired. Xoáy thuận bùng nổ (bombogenesis) xuất hiện khi áp suất ở vùng trung tâm của cơn bão giảm ít nhất 0,02 atmosphere trong 24 giờ, kéo theo gió giật có thể nhanh chóng gây ra bão tuyết và lụt lội ở vùng ven biển.

Đây không phải là một hiện tượng hiếm gặp trong thực tế. Các nhà khí tượng học ước tính loại bão này xảy ra ở Bắc bán cầu khoảng 10 lần một năm. Chúng có thể mang nhiều tên gọi khác như bão Nor'easter hay xoáy thuận ngoài nhiệt đới (mid-latitude cyclone). Đó có thể là lý do nhiều người dân Mỹ chưa từng nghe tới bão bom trước khi bão mùa đông Grayson trút mưa tuyết xuống thành phố Tallahassee ở Florida, vào sáng hôm 3/1. Tuy nhiên, Grayson không phải là bão bom thông thường.

Theo dự kiến, bão Grayson sẽ càn quét bờ Đông nước Mỹ đến hết hôm nay, mạnh dần lên khi di chuyển từ Florida đến Nova Scotia, tạo ra lượng tuyết rơi ở mức kỷ lục với sức gió trong khoảng cấp 3. "Cơn bão này là giấc mơ của các nhà khí tượng học. Nó là sự hội tụ hoàn hảo của ba điều kiện mà chúng tôi luôn theo dõi", Paul Huttner, chuyên gia dự báo thời tiết của đài truyền thanh Minnesota, cho biết.

Điều kiện đầu tiên là một khối khí nóng ẩm bị dòng hải lưu Gulf Stream đẩy ra khỏi vùng Caribe và di chuyển dọc vùng ven biển Đại Tây Dương, một hiện tượng khá bình thường ở thời điểm này trong năm. Nhưng yếu tố bất thường là khối khí lạnh khổng lồ dưới 0 độ C tràn xuống từ Bắc Cực cách đây 10 ngày, khiến khu vực Ngũ Hồ và miền đông nước Mỹ chìm trong giá lạnh kéo dài.

Mỗi năm, vào thời gian này, Mặt Trời không chiếu sáng vòng Bắc Cực. Thiếu ánh sáng Mặt Trời đồng nghĩa với thiếu nguồn nhiệt sưởi ấm, kết quả là khối khí lạnh di chuyển nhanh. Trong phần lớn thời gian, các dòng khí di chuyển về hướng đông gần rìa trên của khí quyển khiến khối khí lạnh không thể vượt ra ngoài Bắc Cực. Nhưng đôi khi những sóng không khí phía trên xê dịch, làm biến dạng các dòng khí và cho phép toàn bộ khối khí lạnh tràn xuống phương nam, chủ yếu là Canada và Mỹ.

"Khối khí lạnh nhất hành tinh vừa tràn qua Đông Bắc Mỹ. Với lượng hơi ẩm bổ sung, chúng tôi đang trải qua sự chênh lệch lớn về nhiệt độ. Khi cơn bão đổ bộ vào vùng New England, sự chênh lệch nhiệt độ ở tâm bão sẽ lên tới 37 độ C. Chênh lệch nhiệt độ càng cao, bão càng tiến sâu vào đất liền", Huttner giải thích.


Bão Grayson hoành hành gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển.

Chênh lệch nhiệt độ kéo theo chênh lệch về áp suất. Khi áp suất giảm, khối khí tràn tới. Áp suất càng giảm mạnh, khối khí di chuyển càng nhanh và bão mùa đông hình thành.

Khác với bão biển Đại Tây Dương sẽ di chuyển chậm lại khi tiến về phía bắc và cách xa nguồn nhiệt ẩm từ đại dương, bão bom thường có cường độ đạt đỉnh khi ập vào vùng New England. Đo là nơi tồn tại chênh lệch nhiệt độ tối đa, cũng là nơi rãnh áp suất thấp ở tầng thượng quyển sắp xuất hiện.

Các nhà khoa học ở Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ ước tính bão Grayson sẽ khiến áp suất giảm khoảng 0,06 - 0,07 atmosphere trong hơn 48 giờ, tiến gần Nova Scotia vào tối qua. Đây không chỉ là một trong những cơn bão bom Bờ Đông có tốc độ nhanh nhất mà áp suất ở tâm bão dự kiến đạt gần 0,94 atmosphere, đưa Grayson vào hàng những cơn bão ngoài khơi mạnh nhất trong thời gian gần đây.

Các điều kiện trên sẽ dẫn đến những cơn gió nhanh và mạnh hơn một cơn bão thông thường vào thời gian này, theo Gregg Galina, nhà khí tượng học ở Trung tâm dự đoán thời tiết của NOAA.

Cập nhật: 06/01/2018 Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video