Một thư viện ảo các thí nghiệm vật lý đầy sinh động, giúp học sinh hiểu nhanh, chính xác các kiến thức trên lớp đã được hai giáo viên trung học phổ thông ở thành phố Đà Nẵng thiết kế.
Đó là thầy giáo Nguyễn Thành Lễ và Nguyễn Viết Thông, giáo viên dạy vật lý lâu năm của PTTH Nguyễn Trãi, Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Giải pháp thư viện ảo trên đã đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi Sáng kiến kinh nghiệm năm học 2008 - 2009 của Sở giáo dục đào tạo thành phố Đà Nẵng giải nhì cuộc thi công nghệ thông tin của ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng.
Mày mò viết phần mềm
Các giáo viên dạy vật lý, hóa, sinh thường gặp nhiều khó khăn trong truyền đạt kiến thức cho học sinh. Trong khi đó, hệ thống dụng cụ thí nghiệm của hầu hết trường PTTH còn thiếu; một số thí nghiệm còn khó thực hiện trong môi trường và điều kiện hiện tại.
“Để học sinh tin và hiểu lý thuyết thì cần phải thực nghiệm. Vấn đề là không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng làm thực nghiệm và mô tả bằng mô hình, ví dụ như lý thuyết về từ trường, dòng điện, sóng âm…”, thầy Lễ cho biết. Xuất phát từ thực tế giảng dạy, để giúp học sinh tiếp thu tốt bài học, các thầy bắt tay xây dựng những thí nghiệm vật lý ảo. Hai thầy mua sách tin học, mày mò trên mạng cách lập phần mềm, tìm tài liệu thí nghiệm vật lý phù hợp với chương trình giáo khoa sẵn có từ các thư viện, trường và trung tâm nghiên cứu trên thế giới.
Thầy Nguyễn Hữu Lễ hướng dẫn các học sinh trong một tiết học. Ảnh: Hoàng Táo
Miệt mài nhiều tháng, hai thầy viết được các file flash (loại file cho chất lượng hình ảnh tốt, kèm âm thanh và tạo nhiều hiệu ứng nhưng có dung lượng nhẹ, thích hợp để đưa lên trang web những đoạn phim, hình ảnh động). Từ đó, những thí nghiệm ảo dần hình thành, hệ thống video về thí nghiệm vật lý các khối lớp được sưu tầm nhiều, phong phú hơn.
Từ năm học 2007 - 2008, sáng kiến này đã được ứng dụng vào dạy và học ở trường THPT Nguyễn Trãi, mang lại hiệu quả thiết thực, kết quả học tập bộ môn vật lý ở các khối khả quan rõ rệt.
Giáo cụ trực quan, sinh động
Phần mềm gồm một số nội dung chính: bài giảng điện tử; thí nghiệm ảo; giáo án; bài tập; video clip. Tất cả tập hợp thành một “Thư viện vật lý ảo”. Nhờ đó, các tiết học gây được hứng thú, sự chú ý của học sinh, các em hiểu sâu tận gốc rễ vấn đề, nên học lý thuyết không còn khó khăn nữa.
Thầy Nguyễn Viết Thông cho biết: “Những phần mềm như thế này hỗ trợ đắc lực cho giáo viên. Ở những bài học khó hiểu, giáo viên chỉ cần mở máy chiếu và thực hiện thí nghiệm ảo, một số thí nghiệm còn có hình ảnh video chi tiết và cụ thể nên các em sẽ hiểu bài ngay”.
Theo đánh giá của hội đồng giám khảo cuộc thi Sáng kiến kinh nghiệm, những sáng tạo như thế này không chỉ chất lượng các tiết dạy tăng rõ rệt, phần mềm còn góp phần nâng cao tinh thần tự học, tự rèn luyện của giáo viên, nhất là ở lĩnh vực tin học.