Thỉnh thoảng, khi buồn hay vui, bạn có thể nói vu vơ hay đùa nghịch với những cây xanh xung quanh mình. Và kì diệu thay, mới đây các nhà khoa học đã phát hiện thực vật thực sự có mối giao cảm với những tiếp xúc này.
Đây là sự thật mà giới yêu thực vật đã nghi ngờ từ lâu và các nhà khoa học Úc đã tìm thấy bằng chứng cho thấy loài cây thực sự có thể cảm nhận được khi chúng ta chạm vào chúng.
Không chỉ vậy, những cảm giác khác nhau có thể dẫn đến hàng loạt các thay đổi về sinh lý và di truyền tùy thuộc vào sự kích thích mà thực vật nhận được, cho dù đó là một vài giọt mưa hoặc một chút vỗ về mềm mại. Đây là những điều thú vị nhất mà các nhà khoa học đã ghi nhận được trong tuần qua.
Nhà nghiên cứu Olivier Van Aken từ trường đại học Western Australia cho biết: "Dù đa số mọi người đều cho rằng thực vật không cảm nhận được khi chúng ta chạm vào, nhưng chúng tôi đã thấy chúng thật sự rất nhạy cảm".
Thực vật thật sự rất nhạy cảm. (Nguồn: Jonathan Leung/Flickr).
Ông cũng nói thêm: "Thực vậy dường như không than phiền khi chúng ta ngắt một bông hoa, dẫm lên chúng hay lướt qua khi ta đi dạo nhưng chúng hoàn toàn nhận thức được sự tiếp xúc này và nhanh chóng đáp lại chúng ta".
Các nhà khoa học thực sự không có bằng chứng cho thấy thực vật thật sự "cảm nhận" được theo nhiều cách giống như nhận thức của con người về cảm giác.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy, thực vật có nhận thức khá tốt về môi trường xung quanh. Ví dụ: chúng có thể "nghe" khi bị côn trùng cắn và giải phóng chất độc để ngăn nó lại, các loài nấm cũng có thể giao tiếp với nhau thông qua một loại "internet" ngầm của chúng.
Trong khi chưa ghi nhận được những phản ứng rõ ràng từ việc kích thích, nghiên cứu cũng cho thấy, việc cảm nhận có thể giúp thực vật nhận biết môi trường xung quanh, chuẩn bị cho bất kì mối nguy hiểm tiềm tàng nào đó hay sẵn sàng để tận dụng được sự thay đổi của điều kiện thời tiết.
Các nhà khoa học còn khám phá được khi phun những giọt nước lên cây sẽ làm chúng thay đổi biểu hiện của hàng ngàn gene. Đây là một phản ứng sinh lý rất ấn tượng bắt đầu sau vài phút kích thích và ngừng lại trong nửa giờ.
Van Aken phát biểu: "Chúng tôi có thể chứng minh rằng, phản ứng này không phải do bất cứ hoạt chất nào mà chính bởi sự tiếp xúc vật lý gây ra khi giọt nước rơi xuống bề mặt của lá".
Với mong muốn tìm hiểu những phản ứng khác, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, khi họ vỗ nhẹ hoặc dùng nhíp chạm vào sẽ kích thích một loạt phản ứng sinh lý tương tự. Tất cả những thông tin này có lẽ là điều cần thiết để thực vật có thể sinh tồn trong tự nhiên.
Thực vật không thể chạy trốn khỏi những tình huống nguy hiểm.
"Khác với động vật, thực vật không thể chạy trốn khỏi những tình huống nguy hiểm. Thay vào đó, chúng có thể phát triển hệ thống phòng thủ nhằm cảm nhận môi trường, giúp chúng phát hiện mối hiểm nguy và có phản ứng phù hợp", Van Aken nói.
Quan trọng hơn, nghiên cứu cũng xác định được hai loại protein có thể làm tắt phản ứng tiếp xúc của thực vật. Trong tương lai, điều này thật sự có ý nghĩa vì nó có thể hỗ trợ thực vật trong các môi trường có kiểm soát như nhà kính, từ việc thay đổi gene và phản ứng với các kích thích "báo động giả".
Nghiên cứu này rõ ràng là không đủ để đại diện cho những hiểu biết của chúng ta về nhận thức của thực vật khi bị kích thích và các nghiên cứu khác cần được thực hiện để củng cố các phát hiện này. Hiện tại, chúng ta cũng nên cân nhắc khi có ý định đâm chọc các loài cây hoặc chặn ánh sáng của chúng.
Van Aken nói với Peter Spinks từ The Age: "Chúng tôi vẫn chưa có bằng chứng chứng minh cho những ý kiến trước đây về việc các rung động từ hành động trò chuyện với thực vật có hiệu ứng đủ mạnh để làm thực vật di chuyển".
Một ngày nào đó, các nhà khoa học có thể có thêm những nghiên cứu và phát hiện được nhiều điều kì lạ và thú vị hơn về thực vật, một loài vốn luôn được xem là không biết trò chuyện với con người. Thế nên, từ bây giờ chúng ta hãy trân trọng và dành cho thực vậy những cảm xúc chân thành và nhẹ nhàng nhất.