Thuở thiếu thời nhà bác học hỏa tiễn Wernher Von Braun

Vào cuối cuộc thế chiến thứ Hai, dân chúng nước Anh đã kinh hoàng, điêu đứng vì một thứ khí giới mới: bom bay. Các quả bom không biết từ đâu đã rơi xuống thành phố London cả ngày lẫn đêm. Cha đẻ của thứ vũ khí này là một nhà bác học trẻ tuổi mà thời bấy giờ giới Khoa Học chưa được biết tiếng: Wernher Von Braun (1912 - 1977)

Wernher Von Braun sinh ngày 23 tháng 3 năm 1912 tại Wirsitz, tỉnh Silisie, thuộc miền đông của nước Đức, phần đất này ngày nay đã thuộc về nước Ba Lan. Wernher là con thứ hai trong ba người con trai của Nam Tước Magnus Von Braun. Cha cậu là một điền chủ nghiêm nghị, đã từng tham gia vào việc chính trị của nước Đức thời Cộng Hòa Weimar, còn mẹ cậu, bà Emmy Von Quistorp, là người rất say mê thiên văn học. Bà thường dẫn các con lên sân thượng vào các buổi tối và chỉ cho các con những hành tinh cùng các vì sao lấp lánh trên bầu trời. Vì vậy cậu Wernher đã ước mơ một ngày kia cậu có thể đặt chân lên các thiên thể xa lạ đó.

Mới 13 tuổi, Wernher đã ưa thích chơi pháo. Cậu nhồi thuốc súng vào một chiếc xe của trẻ em rồi châm lửa đốt. Chiếc xe chạy thục mạng như một con quái vật, gây kinh hoàng cho khách qua đường và làm cho bầy ngựa bạt vía. Cậu bị cảnh sát dẫn về nhà. Ông Magnus nghiêm mặt lại và mắng: "Wernher, mày không được làm mang tiếng tao như vậy. Tao sẽ cho mày vào ở trong ký túc xá của một trường học cách đây 5 cây số để mày hết nghịch ngợm đi".

Và sang niên học mới, Wernher rời gia đình theo học tại một ngôi trường hẻo lánh tọa lạc trên một hòn đảo miền Frise. Tại nơi đây, cậu không chăm chỉ học hành. Đối với các thầy giáo, cậu là một học trò kém vì thầy hiệu trưởng đã phê bình về cậu: "Học trò thiếu chăm chỉ, hoàn toàn dốt về Toán, khó lòng theo học nổi".

Vào năm 1925, do tình cờ Wernher Von Braun được đọc một quyển sách về thiên văn. Trong cuốn sách có vẽ một chiếc hỏa tiễn đang bay về hướng mặt trăng, kèm theo là một bài do Hermann Oberth viết. Oberth là một trong vài lý thuyết gia đầu tiên về hỏa tiễn, cũng là đồ đệ của Tsiolkovsky, nhà tiên tri người Nga về cách chinh phục không gian. Cuốn sách của Obeth, "Hỏa tiễn trong không gian liên hành tinh", đã làm ngạc nhiên nhiều người và làm điên đầu cậu Von Braun. Cuốn sách gối đầu giường của cậu dày hơn 100 trang này thật là khó hiểu đối với cậu, vì nó chứa đựng rất nhiều phương trình bí hiểm. Cậu quyết định xin cha cho học tư về toán học và vật lý. Có lần Von Braun đã nói "Toán Học rất cần thiết cho việc hiểu biết về cách đi đường trong không gian nên tôi quyết định tìm học". Von Braun tiến bộ về toán học và vật lý đến nỗi cậu có thể thay thế giáo sư giảng bài cho các bạn trong lớp mỗi khi giáo sư vắng mặt.

Vào năm 1928, Hội Du Lịch Không Gian (Verein fur Raumschiffahrt) được Obeth lập ra. Hội này xuất bản mỗi tháng một tờ báo lấy tên là "Hỏa Tiễn" và tập hợp được một số nhà bác học cùng các thanh niên Đức say mê hỏa tiễn. Trong số các độc giả của tờ báo Hỏa Tiễn có một thanh niên 16 tuổi, khổ người cao lớn, mắt xanh, tóc nâu, cằm vuông, biểu lộ nhiều nghị lực, đó là chàng Wernher Von Braun vừa học xong bậc trung học và đã ghi tên vào Viện Kỹ Thuật Berlin.

Von Braun vác trên vai các hỏa tiễn (phải)

Mùa thu năm 1929, Von Braun đến nhà ông Willy Ley và trình bày với ông ta về sở thích của mình đối với sự thám hiểm không gian. Von Braun lại muốn được ông Ley giới thiệu vào Hội Du Lịch Không Gian mà ông ta là một hội viên sáng lập. Ông Willey Ley liền dẫn Von Braun đi gặp Obeth và bắt đầu từ đó, chàng Von Braun hãnh diện được vác trên vai các hỏa tiễn mà các bậc đàn anh sẽ phóng đi.

Thời đó, nhà sản xuất điện ảnh danh tiếng Fritz Lang có ý định quay một cuốn phim về sự chinh phục không gian. Fritz Lang mời Obeth làm cố vấn kỹ thuật. Obeth nhận lời nhưng cũng không quên đòi hỏi một số tiền thù lao đủ để chế tạo một chiếc hỏa tiễn và Obeth dự định phóng hỏa tiễn đó vào ngày cuốn phim bắt đầu chiếu.

Năm đó, cuốn phim "Một người đàn bà trên mặt trăng" của Fritz Lang mang lại đầy thành công trong khi việc phóng hỏa tiễn lại bị thất bại chua cay, trái với lời tán dương rầm rộ của báo chí. Nhưng các hội viên của Hội Du Lịch Không Gian không đến nỗi quá thất vọng. Theo ý họ, sở dĩ họ gặp thất bại về hỏa tiễn bởi chưa tìm ra được một thứ nhiên liệu có thể tạo nên một áp suất đủ mạnh cần thiết. Họ liền nhờ các nhà hóa học sáng chế ra một chất cháy mới.

Von Braun và ông Obeth

Tại Reinickendorf, ngoại ô của thành phố Berlin, có một khoảng đất trống. Hội Du Lịch Không Gian liền ký một giao kèo với Hội Đồng Thành Phố vào ngày 27-9-1930 để thuê khoảng đất kể trên với giá là 1,500 đồng trong một năm. Khoảng đất này được đặt tên một cách hãnh diện là "Phi Trường Hỏa Tiễn". Phi trường này tuy sơ sài thật nhưng chỉ vài tháng sau, đã được khắp thế giới biết đến vì tính cách đặc biệt của nó. Nhiều người đã từ các nước Pháp, Mỹ, Anh… tới thăm. Có kẻ tình nguyện giúp sức vào công cuộc thí nghiệm. Tại nơi đây có mặt đầy đủ các nhà kỹ thuật nhiều thiện chí: kỹ sư, thợ máy, hóa học gia, phi công… Hội Du Lịch Không Gian tuy không giàu về ngân quỹ nhưng các hỏa tiễn Mirak loại nhỏ cũng ra đời. Tính tới năm 1932, Oberth, Ley, Von Braun và các hội viên khác đã thành công trong 85 lần thử và một trong các hỏa tiễn đã lên cao được một dặm, đạt kỷ lục của thời đó.

Mùa xuân năm 1932, Von Braun học xong chương trình kỹ sư của Viện Kỹ Thuật Berlin (the Berlin Institute of Technology) rồi hai năm sau, đoạt được văn bằng Tiến sĩ Vật lý của Trường Đại Học Berlin. Tuy nhiên, sự học hành không làm gián đoạn công cuộc theo đuổi ngành kỹ thuật hỏa tiễn của Von Braun.

--------------------------------
Đón đọc: "Wernher Von Braun chế tạo hỏa tiễn"

Theo Vietscienses
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video