Thuốc cải thiện chiều cao

Những trẻ chậm phát triển chiều cao có thể được điều trị bằng cách sử dụng hoóc môn tăng trưởng. Những người đã có chiều cao bình thường không nên tham lam dùng thuốc này vì có thể gặp phản ứng không hay.

(Ảnh: SK&ĐS)

Người đang trưởng thành còn dải sụn tiếp hợp, chiều cao có thể được cải thiện bằng thuốc và chế độ ăn uống thích hợp.

Trẻ thấp do thiếu hoóc môn tăng trưởng

Hoóc môn tăng trưởng (GH) do tuyến yên tiết ra làm xương phát triển về chiều dài (xương đùi, cẳng chân). Thiếu nó, trẻ sẽ có chiều cao khiêm tốn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Việc dùng GH trong năm điều trị đầu tiên có kết quả khá rõ. Ở những trẻ có tuyến giáp bình thường, nếu chẩn đoán điều trị sớm kèm theo chế độ dinh dưỡng tốt, chiều cao sẽ đạt đến mức bình thường (theo di truyền).

Trước đây, người ta dùng GH tự nhiên lấy từ người chết, mỗi ca điều trị kéo dài hàng chục năm, vừa thiếu chủ động vừa tốn kém (khoảng 100.000 USD). Thêm nữa, nếu dùng GH tự nhiên, sau khoảng 10-15 năm, bệnh não xốp, bò điên sẽ xuất hiện.

Ngày nay, bằng phương pháp tái tổ hợp, người ta đã tạo được các GH nhân tạo giúp cho việc điều trị chủ động hơn, không gây nguy hiểm, đỡ tốn kém. Tuy nhiên, phải là người có thu nhập cao mới có thể chấp nhận. Trước khi điều trị, phải đo hàm lượng GH trong máu để xác định trẻ có thực sự bị bệnh này không. Đây là một xét nghiệm tốn kém, kỹ thuật cao.

Khi dùng ngắn hạn, GH có thể gây giữ nước, phù, sưng ngón tay, hội chứng ống cổ tay, đôi khi còn gây nhức đầu, ngủ gà, sưng hoặc đau khớp, đầy bụng. Các triệu chứng này hiếm khi xảy ra nếu dùng đúng liều, nếu có cũng tự mất đi khi ngừng thuốc. Khi dùng lâu dài, tình trạng thừa GH có thể gây phát triển phì đại một số cơ quan, tăng tỷ lệ biến chứng và tử vong, tăng nguy cơ đái tháo đường, tim mạch và u ác tính ở đường tiêu hóa. Việc dùng GH cũng có thể tạo ra khối u giả trong não gây nhức đầu dữ dội, lúc này bệnh nhân buộc phải ngừng thuốc, nếu không sẽ bị các tổn thương khác.

Trong cơ thể có nhiều hoóc môn tác dụng với nhau nhịp nhàng như một dàn nhạc. Việc thêm hay bớt một loại hoóc môn không hợp lý có thể phá vỡ sự cân bằng, gây nên nhiều bất lợi chưa thể lường hết được.

Trẻ thấp không do thiếu hoóc môn tăng trưởng

Chiều cao trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khá phức tạp như di truyền, ảnh hưởng của hoóc môn tuyến giáp, tuyến sinh dục, tuyến thượng thận, chế độ dinh dưỡng, thiếu vi chất (canxi, kẽm, sắt, vitamin A, D3). Trong các trường hợp này, việc dùng GH không đem lại hiệu quả.

Năm 2003, Mỹ cho phép hãng Eli-lylly lưu hành GH tái tổ hợp. Khoảng 1% số trẻ em thấp lùn được dùng thuốc này nhưng kết quả không mấy lạc quan: Ở những đứa trẻ được tiêm thuốc 3 lần mỗi tuần trong 4 năm liền, mức tăng chiều cao chỉ nhỉnh hơn gần 1,3 cm so với trẻ dùng giả dược, trong khi chi phí chạy chữa lên tới 20.000 USD.

Trong khi đó, việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, luyện tập vừa dễ thực hiện, đỡ tốn kém và mang lại nhiều lợi ích.

Phẫu thuật tạo hình kéo dài xương cẳng chân

Người trưởng thành có dải sụn tiếp hợp đã bị canxi hóa, chiều cao chỉ có thể cải thiện bằng phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài xương cẳng chân. Mặc dù đã được cải tiến và có nhiều thành tựu nhưng phẫu thuật này vẫn hàm chứa một số nguy cơ: chỉ kéo dài xương cẳng chân mà không kéo dài xương đùi, gây mất cân đối (bởi khi bị thấp thì cả đoạn xương đùi và xương cẳng chân đều ngắn hơn bình thường). Nếu làm không đúng kỹ thuật, kéo không đều hai bên, chân sẽ bị lệch. Một số trường hợp có thể nhiễm khuẩn. Chiều dài tối đa có thể kéo thêm là 10 cm, nếu so với đi giày có đế cao 5-7 cm thì kết quả vẫn còn khiêm tốn.

Vì vậy, việc tăng tầm vóc của con người phải giải quyết bằng nhiều cách thông qua nhiều thế hệ. Trong cùng một thế hệ, sự chênh lệch chiều cao tương đối giữa người này với người khác là chuyện bình thường, không nên mặc cảm. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu xác nhận rằng người có chiều cao khiêm tốn, kể cả những người thiếu GH, hoàn toàn không bị thua kém về trí thông minh.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video