Theo một nghiên cứu của Đại học Vermont, Mỹ, thủy ngân có thể tồn tại ở 4 dạng. Kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi. Methyl thủy ngân (MeHg) có thể ngấm vào cơ thể khi con người ăn một số loài cá nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là loài cá lớn ở đỉnh chuỗi thức ăn, như cá mập, cá kiếm, cá vược và cá chó.
Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt muỗi và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Hợp chất này có thể gây hại nếu con người hít hoặc nuốt vào cơ thể.
Dạng cuối cùng là thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm dành cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc qua đường tiêu hóa.
Thiết bị quan trắc phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí ở Hà Nội. (Ảnh: Tr.Phan).
Thủy ngân có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác và đám cháy rừng. Ngoài ra, một số đồ vật quen thuộc thường chứa thủy ngân gồm: đèn huỳnh quang, đèn neon, thiết bị sưởi và làm nóng, nhiệt kế, dung môi phòng thí nghiệm và hỗn hợp hàn răng trong phòng khám nha khoa.
Thủy ngân gây ra nhiều tác hại đối với cá, chim và động vật có vú như cản trở sự tăng trưởng và phát triển, thúc đẩy hành vi bất thường, khó sinh và thậm chí tử vong. Thủy ngân xâm nhập vào không khí thông qua các quá trình đốt cháy nhiên liệu, đốt rác thải y tế và sản xuất công nghiệp, cùng với một số nguồn tự nhiên.
Ở các môi trường khác, thủy ngân lắng đọng trong đất thông qua quá trình thấm ướt và phơi khô của hệ sinh thái rừng. Sau đó, nguyên tố này tích tụ ở dạng độc tố cao trong mắt xích thức ăn của hệ sinh thái dưới nước. Việc tiếp xúc với thủy ngân diễn ra phổ biến nhất qua đường thức ăn khi tiêu thụ hải sản hoặc thực vật nhiễm độc thủy ngân.
Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô bao gồm bộ não. Nó cũng truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi. Dấu hiệu đầu tiên của việc nhiễm độc thủy ngân là hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, gọi là chứng dị cam (paresthesia).
Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài dẫn đến run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi. Các triệu chứng này xảy ra khi một người tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí trên 50 microgram/m3 (một microgram bằng một phần triệu gram).
Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Colgate, New York, Mỹ, thủy ngân có thể rất độc hại khi đổ ra ngoài. Cách tốt nhất để xử lý thủy ngân bị đổ là rắc bột lưu huỳnh nhằm biến nó thành dạng cứng dễ thu dọn.