Thủy ngân đang lấn sâu vào chuỗi thức ăn của con người

Sự gia tăng của nồng độ carbon hữu cơ hòa tan đã kéo theo sự tăng lên của nồng độ thủy ngân trong nước biển và nước ngọt.

Các nhà khoa học Hoa Kỳ đã đưa ra một nghiên cứu đáng báo động rằng lượng thủy ngân tích tụ trong lòng biển đang lây nhiễm vào chuỗi thức ăn của các động vật trên cạn nhiều hơn bao giờ hết. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân của hiện tượng lây nhiễm ở mức độ toàn cầu này là vì tác dụng kích ứng của cacbon hữu cơ hòa tan.

Thủy ngân dưới dạng nguyên tố lỏng tuy ít độc, nhưng hơi các hợp chất và muối của nó là rất độc và là nguyên nhân gây ra các tổn thương não, gan, khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân. Chất này độc đến đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.

Thông qua quá trình tích lũy sinh học, metyl thủy ngân thường đi vào trong chuỗi thức ăn và đạt đến mức tích lũy cao trong một số loài như cá ngừ. Sự ngộ độc thủy ngân đối với con người là kết quả của việc tiêu thụ lâu dài một số loại lương thực, thực phẩm nào đó. Các loài cá lớn như cá ngừ hay cá kiếm thông thường chứa nhiều thủy ngân hơn các loài cá nhỏ, do thủy ngân tích lũy tăng dần theo chuỗi thức ăn.


Hoạt động công nghiệp và sự xả thải vô tội vạ của con người đang làm cho biển bị ô nhiễm trầm trọng. (Nguồn ảnh: barentsobserver).

Trong tự nhiên nói chung và ở biển nói riêng, tỷ lệ thủy ngân là vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, những hoạt động công nghiệp của con người như khai thác vàng và tổng hợp hóa học cùng việc đổ bỏ chất thải chưa qua xử lý một cách vô tội vạ đã khiến cho tỷ lệ thủy ngân trong môi trường tăng cao một cách báo động chỉ trong thời gian ngắn.

Những mẫu thử nước biển và nước hồ thu thập từ rất nhiều nơi trên thế giới cho thấy nồng độ thủy ngân đã tăng cao với quy mô toàn cầu. Điều này dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn đối với những sinh vật có nguồn thức ăn chính là thủy và hải sản, trong đó có con người.

Nhưng mối nguy hiểm không dừng lại ở đây. Sự lây lan và nhiễm độc của thủy ngân sẽ tiếp tục trải rộng đến mức không kiểm soát vì chính những động thực vật đã bị nhiễm độc thủy ngân trên cạn lại trở thành nguồn thức ăn của những động thực vật khác.

Những nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào quá trình lây lan của độc tố metyl thủy ngân thông qua con đường tiêu thụ hải sản như cá tôm. Nhưng hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra một con đường khác cũng có thể đưa trực tiếp thủy ngân từ dưới biển lên cạn, đó là thông qua các loại côn trùng sống trong nước.

Sự lây nhiễm của metyl thủy ngân phụ thuộc rất lớn vào sự tồn tại của carbon hữu cơ hòa tan. Chính vì thế, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu trong suốt hơn 10 năm về nồng độ của thủy ngân và cacbon hòa tan trên một khu vực rộng lớn ở bờ biển New Hampshire (Hoa Kỳ).

Kết quả cho thấy đã có sự lây lan của thủy ngân từ nước lên chuỗi thức ăn trên cạn khi những động vật không xương sống trôi nổi trong nước bị "làm thịt" bởi những con nhện và nhiều loại côn trùng khác.

Nói một cách khác, trong thời điểm trước, để tránh bị nhiễm độc thủy ngân thì con người chỉ cần hạn chế ăn các loại thủy hải sản là được. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thủy ngân đã lây lan vào quá nhiều chuỗi thực phẩm và mọi sự đề phòng đều là vô ích vì côn trùng là nguồn thức ăn chung của rất nhiều loại động vật khác nhau.

Nếu trong nước có càng nhiều carbon hòa tan thì lượng metyl thủy ngân sẽ càng cao. Điều này một lần nữa lại chứng tỏ rằng hoạt động hiệu ứng nhà kính và nóng lên toàn cầu đang gây ra những hậu quả vô cùng phức tạp, mà một trong số đó là sự gia tăng tỷ lệ tạo thành chất metyl thủy ngân trong nguồn nước ngọt lẫn nước biển.

Cập nhật: 06/04/2016 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video