Số ca mắc cúm A/H5N1 trong những tháng đầu năm 2010 có thể nói là “bất thường” so với những năm trước đó khi chỉ trong 2 tháng đầu năm đã bằng tổng số ca mắc cả năm 2009.
Virus H5N1 có sự thay thế về phân nhóm qua từng năm
Theo các kết quả nghiên cứu của Viện thú y, Cục Thú y, có sự lưu hành của virus H5N1 ở các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các đàn gia cầm lành (chủ yếu là thủy cầm). Ngoài ra, việc buôn bán vận chuyển gia cầm (kể cả gia cầm bệnh, ốm, không nguồn gốc xuất xứ) giữa các vùng miền, biên giới cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc cúm ở cả người và gia cầm tăng lên.
Phân tích của PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cho thấy: bản thân các chủng virus cúm A/H5N1 lưu hành tại Việt Nam đều là những chủng có độc lực cao nhưng tỉ lệ tử vong cũng tương đương như các nước trong khu vực.
Qua phân tích 5 trường hợp tử vong đầu năm nay, các trường hợp này không liên quan với nhau và hầu hết đều nhập viện và điều trị Tamiflu muộn.
Vậy liệu virus H5N1 có sự biến đổi về độc lực, tính lây truyền dẫn tới số ca nhiễm cúm trong 2 tháng đầu năm bằng cả năm 2009? TS Hiển cho biết: “Virus cúm A/H5N1 có chứa gene của các vi rút từ nhiều loài động vật, có tính biến dị nhanh nhưng đến nay, sự biến đổi kháng nguyên là những biến đổi nhỏ, chưa có bằng chứng là nó đã thay đổi độc lực cũng như khả năng lây truyền từ người sang người”.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu các chủng virus cúm A/H5N1 ở người của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho thấy có sự thay thế, tương đồng cao với các virus phân lập từ gia cầm trong cùng thời điểm.
Còn theo thông báo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thời gian từ tháng 9/2009 - 2/2010, virus H5N1 đã có sự thay đổi nhỏ về tính di truyền và tính kháng nguyên nhưng chưa đến mức phải nghiên cứu, sản xuất vắc xin mới.
Trong thời gian tới, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ sẽ tiếp tục hợp tác với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ tiến hành các nghiên cứu như liên quan đến cúm A/H5N1 để tiếp tục giám sát, theo dõi sự biến đổi của virus kịp thời.
Khuyến cáo của Bộ Y tế:
- Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi bằng cách thường xuyên dùng Chloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.
- Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm. Đặc biệt, khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế vì càng tiếp cận điều trị muộn, nguy cơ viêm phổi nặng dẫn tới tử vong càng cao.
- Hạn chế sự di chuyển gia cầm chưa kiểm dịch giữa các vùng miền, nghiêm túc thực hiện việc tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm…