Sự sụp đổ uy tín của chuyên gia Hwang Woo-suk và công trình giả nghiên cứu nhân bản tế bào gốc là một trong những sự kiện gây sốc gần đây. Đây cũng là bài học cho các nước châu Á trên con đường xây dựng các nền kinh tế tri thức.
Có thể tiền đầu tư, cơ sở vật chất, về lâu dài, lại không quan trọng bằng một môi trường cởi mở, khuyến khích độc lập suy nghĩ và chấp nhận sự đa dạng trong ý kiến.
GS Hwang từng được dân Nam Hàn ca ngợi như anh hùng dân tộc (Ảnh: BBC) |
Tìm hiểu vụ việc về giáo sư Hwang, người ta thấy trước đây ông không chịu sự săm soi từ đồng nghiệp, mà lại tránh được sự phê phán, cũng nhờ báo chí tâng bốc, quần chúng và chính phủ thì ngưỡng mộ.
Bài học cho châu Á
Theo cây bút Guy de Jonquieres, Nam Hàn còn bị hạn chế bởi một gánh nặng khác có ở phần lớn các nước Đông Á, đó là "một xã hội phân chia thứ bậc cứng nhắc - cũng thường được thể hiện trong cấu trúc các phòng thí nghiệm khoa học - một xã hội mà đánh giá cao sự tuân lời và tôn kính quyền lực, và không khuyến khích tinh thần nổi loạn và chỉ trích công khai."
"Cộng thêm các nền giáo dục học vẹt, và thế là ta có một môi trường khó thuận lợi cho tư duy tự do."
Để giải quyết, Nam Hàn và Nhật Bản đã chia nhỏ nhiều chương trình nghiên cứu thành các đơn vị được tự đặt ra nghị trình hoạt động.
Hai nước cũng khuyến khích các đại học cạnh tranh dựa trên chất lượng, chứ không phải số lượng, nghiên cứu.
Tại Trung Quốc, đang có kế hoạch nâng cấp chất lượng các trường đại học.
Kế hoạch này đang đặt ưu tiên cho khoa học hơn là nghệ thuật, một phần vì chính phủ nghĩ rằng khoa học ít có khả năng khuyến khích tranh luận và phê phán chính trị.
Nhưng theo Guy de Jonquieres, nếu khoa học tách khỏi dòng chính của xã hội, nó có nguy cơ trở thành công cụ của chính quyền, thay vì thúc đẩy kiến thức và lợi ích cho xã hội.
"Nói như thế không có nghĩa là các kế hoạch lớn thúc đẩy khoa học đi xa ở châu Á sẽ đều thất bại. Nhưng cơ hội thành công sẽ lớn hơn nếu phát hiện khoa học được tự do phát triển trong một môi trường ít độc đoán, ít cung kính và nghi vấn nhiều hơn, mở cửa cho sự đa dạng ý kiến."
Vào giữa thế kỷ 20, C.P. Snow, một tiểu thuyết gia và là nhà vật lý ở đại học Cambridge, biện luận rằng chìa khóa dẫn tới tiến bộ và giải quyết các vấn đề của xã hội nằm ở việc bãi bỏ biên giới giữa "hai nền văn hóa" nghệ thuật và nhân văn.
Snow viết: "Khi anh nghĩ tới lịch sử u ám và lâu dài của loài người, anh sẽ thấy số lượng tội ác ghê tởm nhân danh sự phục tùng đã xảy ra nhiều hơn các tội ác nhân danh sự nổi loạn."
Bài viết của Guy de Jonquieres kết luận với câu "các nhà hoạch định chính sách châu Á cần ghi nhớ lời này."