Phát hiện tiểu hành tinh 2023 AV hôm 13/1 là một thành tựu quan trọng của dự án khảo sát Bầu trời Catalina, Mỹ. Tiểu hành tinh đó bay sượt qua cách Trái đất 9.180km và được phát hiện bởi một trong những thiết bị quan sát của dự án.
Minh họa tiểu hành tinh tiếp cận Trái đất.
Quỹ đạo địa đồng bộ - nơi nhiều vệ tinh liên lạc đang hoạt động - có độ cao trên 35.000 km. Điều này đồng nghĩa, tiểu hành tinh 2023 AV còn tới gần Trái đất hơn các vệ tinh. Vật thể này bay qua phía trên vùng biển thuộc Đại Tây Dương, gần vùng Guiana thuộc Pháp.
2023 AV rộng 2 - 5m, khá nhỏ và không gây nguy hiểm theo các tiêu chuẩn về tiểu hành tinh và vật thể gần Trái đất. Nếu một tiểu hành tinh với kích thước này thực sự đâm vào Trái đất như một số trường hợp trong quá khứ, nhiều khả năng nó sẽ cháy rụi trong khí quyển. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho con người, đồng thời tạo ra một "quả cầu lửa" ngoạn mục trên bầu trời.
Ví dụ, Chelyabinsk - thiên thạch nổ tung trên bầu trời Nga năm 2013 - lớn gấp khoảng 10 lần so với 2023 AV, nhưng chỉ một mảnh nhỏ có kích thước bằng hòn đá còn tồn tại để chạm tới mặt đất.
2023 AV là tiểu hành tinh đầu tiên bay qua sát Trái đất với khoảng cách gần hơn Mặt Trăng trong năm 2023. Đây cũng là chuyến ghé thăm gần thứ 17 của tiểu hành tinh kể từ năm 1901. Một tiểu hành tinh khác lớn hơn một chút, 2023 AC1, cũng bay đến gần Trái đất hơn quỹ đạo Mặt Trăng chỉ sau đó vài giờ, nhưng cách bề mặt hành tinh xanh khoảng 160.000 km.
Các chuyên gia cho biết, không cần lo lắng về những tiểu hành tinh nhỏ như 2023 AV hay 2023 AC1. Nguy cơ cao hơn đến từ những vật thể lớn mà con người chưa phát hiện, đặc biệt là vật thể tiếp cận Trái đất từ hướng Mặt trời, trong vùng "điểm mù". Các nhiệm vụ sắp tới như kính viễn vọng không gian NEO Surveyor của NASA sẽ mang đến những góc nhìn mới trong không gian, giúp con người chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp tiểu hành tinh lao đến.