Những tiểu hành tinh lớn bay gần Trái đất năm 2023

  •  
  • 83

Năm 2023 có nhiều thiên thể tiếp cận Trái đất trong phạm vi 0,05 đơn vị thiên văn (khoảng 7,4 triệu km), một trong số đó lớn gấp đôi chiều cao tháp Burj Khalifa.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được hơn 30.000 vật thể gần Trái đất (NEO), thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ vật thể vũ trụ nào có đường bay gần với quỹ đạo của hành tinh xanh. Phần lớn các NEO là tiểu hành tinh, mặc dù hơn một trăm sao chổi cũng được liệt kê trong danh mục này.

Một số NEO được phân loại là "tiềm ẩn nguy hiểm". Đó là những vật thể có đường kính lớn hơn 140 m và quỹ đạo nằm trong phạm vi 0,05 đơn vị thiên văn (khoảng 7,4 triệu km, hay 0,05 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời) so với quỹ đạo của Trái đất.

Trên thực tế, không có bất kỳ vật thể tiềm ẩn nguy hiểm nào mà các nhà khoa học biết đến có cơ hội để va chạm với Trái đất trong tương lai gần. Định nghĩa NEO tiềm ẩn nguy hiểm chỉ có nghĩa đơn giản là trong tương lai xa, đường bay của chúng có thể phát triển thành quỹ đạo có khả năng tác động đến Trái đất. Trong trường hợp va chạm, các NEO đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể cho hành tinh xanh, ít nhất ở quy mô khu vực.

Dưới đây là danh sách các NEO tiềm ẩn nguy hiểm lớn nhất - tất cả đều là tiểu hành tinh - sẽ bay qua Trái đất vào năm 2023, tức là chúng sẽ tiếp cận hành tinh trong phạm vi 0,05 đơn vị thiên văn, theo cơ sở dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS) của NASA.

363505 (2003 UC20)

Đây nhiều khả năng là tiểu hành tinh lớn nhất tiếp cận Trái đất trong năm nay. Cơ sở dữ liệu của CNEOS chỉ ra nó có chiều ngang khoảng 1,9 km, gấp 2,3 lần chiều cao của tháp Burj Khalifa (828 m), tòa nhà cao nhất thế giới ở Dubai. Vật thể khổng lồ này mất 252 ngày để quay quanh Mặt trời và sẽ bay qua Trái đất vào ngày 2/11 ở khoảng cách gần nhất là 5,2 triệu km. Khi đó, nó đạt tốc độ 7.971 km/s.

 Mô phỏng quỹ đạo của 363505 (2003 UC20) và Trái đất quanh Mặt trời.
Mô phỏng quỹ đạo của 363505 (2003 UC20) và Trái đất quanh Mặt trời. (Ảnh: Space Reference).

199145 (2005 YY128)

Tiểu hành tinh ước tính có chiều ngang từ 0,566 đến 1,265 km, nghĩa là nó có kích thước gần tương đương Cầu Cổng Vàng. 199145 (2005 YY128) quay hết một vòng quanh Mặt trời cứ sau 774 ngày. Nó sẽ tiếp cận gần Trái đất nhất vào ngày 16/2 ở khoảng cách 4,6 triệu km và bay với tốc độ 24.649 km/s.

436774 (2012 KY3)

Cơ sở dữ liệu CNEOS chỉ ra rằng 436774 (2012 KY3) có chiều ngang ước tính từ 0,538 đến 1,202 km, nhỏ hơn một chút so với 199145 (2005 YY128). Tiểu hành tinh này có chu kỳ quỹ đạo 500 ngày quanh Mặt trời và dự kiến bay gần Trái đất nhất vào ngày 13/4. Tại thời điểm đó, nó có thể cách chúng ta 4,7 triệu km và đạt tốc độ 17.552 km/s.

 Mô phỏng quỹ đạo của 436774 (2012 KY3) và Trái đất quanh Mặt trời.
Mô phỏng quỹ đạo của 436774 (2012 KY3) và Trái đất quanh Mặt trời. (Ảnh: Space Reference).

139622 (2001 QQ142)

Dựa trên độ sáng và cách nó phản xạ ánh sáng, 139622 (2001 QQ142) có lẽ có đường kính từ 0,347 đến 1,552 km. Nó quay được một vòng quanh Mặt trời cứ sau 620 ngày. Tại thời điểm tiếp cận gần Trái đất nhất vào ngày 6/12, thiên thể cách chúng ta khoảng 5,5 triệu km và bay với tốc độ 6.660 km/s.

349507 (2008 QY)

349507 (2008 QY) quay quanh Mặt trời trong 461 ngày. Dữ liệu CNEOS cho thấy nó có đường kính từ 0,518 đến 1,159 km. Tảng đá không gian này sẽ tiếp cận Trái đất gần nhất vào ngày 3/10 ở khoảng cách 6,3 triệu km và bay với tốc độ 20.960 km/s vào thời điểm đó.

Cập nhật: 04/01/2023 VnExpress
  • 83