Tiểu hành tinh "nguy hiểm nhất thập kỷ" không đâm vào Trái đất

Qua các quan sát kỹ lưỡng, giới chuyên gia xác định tiểu hành tinh 2022 AE1 rộng 70 m sẽ bay qua cách Trái đất 10 triệu km năm sau.

Hôm 6/1, các nhà thiên văn phát hiện một tiểu hành tinh rộng khoảng 70 m và đặt tên là 2022 AE1. Ngày tiếp theo, nó được dự đoán có khả năng va chạm với Trái đất vào ngày 4/7/2023 bởi hệ thống tự động Xác định Quỹ đạo Tiểu hành tinh (AstOD) thuộc Trung tâm Điều phối Vật thể Gần Trái đất (NEOCC) của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).


Tiểu hành tinh 2022 AE1 trong ảnh chụp của kính viễn vọng Calar Alto Schmidt ở Tây Ban Nha. (Ảnh: ESA/NEOCC)

Hệ thống này sau đó sẽ tính toán vị trí của mỗi đối tượng trên thang đo Palermo, đánh giá nguy cơ xảy ra va chạm. Thang đo này xem xét xác suất va chạm và động năng của vật thể, ước tính mức độ thiệt hại mà nó sẽ gây ra dựa trên kích thước và tốc độ. Điểm 0 trên thang đo Palermo thể hiện mức độ rủi ro cơ bản. Vì vậy, bất kỳ thứ gì có giá trị dương đều ngay lập tức được chú ý.

May mắn là hiếm khi các nhà khoa học phát hiện vật thể với giá trị dương và kể cả như vậy, các quan sát kỹ lưỡng hơn cũng loại trừ khả năng va chạm. Ví dụ nổi bật nhất là Apophis, tiểu hành tinh đang giữ kỷ lục cao nhất lịch sử trên thang đo Palermo ở mức 1,1 với nguy cơ va chạm vào năm 2029. Nhưng sau đó, giới chuyên gia xác định Apophis không gây nguy hiểm cho Trái đất ít nhất trong thế kỷ tới.

Những đối tượng có điểm dưới -2 trên thang đo Palermo có thể bỏ qua một cách an toàn vì khả năng va chạm với Trái đất rất thấp hoặc kích thước của chúng quá nhỏ để gây ra bất kỳ thiệt hại nào nếu va chạm. Tuy nhiên, những đối tượng nằm trong khoảng -2 đến 0 cần được theo dõi cẩn thận và tiểu hành tinh 2022 AE1 ban đầu đạt mức -1,5.

Các quan sát tiếp theo cho thấy nguy cơ va chạm tăng lên. Vào ngày 11/1, 2022 AE1 có giá trị Palermo là -0,66, trở thành tiểu hành tinh nguy hiểm nhất kể từ năm 2009. Ngay khi sự căng thẳng lên cao nhất, Mặt trăng lại gây cản trở khiến các nhà khoa học không thể quan sát trong tuần sau đó.

Việc xác định khả năng 2022 AE1 đâm vào Trái đất vô cùng quan trọng. Mốc va chạm vào tháng 7/2023 nghĩa là con người sẽ không kịp thực hiện bất cứ hành động làm chệch hướng nào và đường kính 70m của tiểu hành tinh cũng đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể cho khu vực va chạm.

2022 AE1 lớn gấp 3,5 lần thiên thạch Chelyabinsk từng khiến hàng nghìn người bị thương khi phát nổ trên bầu trời Nga năm 2013. Nó cũng lớn hơn thiên thạch được cho là nguyên nhân gây ra vụ nổ Tunguska, san phẳng 2.150km2 rừng cây năm 1908.

May mắn là vào ngày 20/1, các nhà thiên văn tiếp tục quan sát được tiểu hành tinh này và thu hẹp đường bay của nó để loại trừ khả năng va chạm trong năm tới. Khi AE1 2022 bay qua sát Trái đất đầu tháng 7/2023, nó sẽ cách Trái đất ít nhất 10 triệu km, gấp hơn 20 lần khoảng cách tới Mặt trăng.

Hệ thống thiết bị quan sát bầu trời mang đến sự an toàn cho con người, giúp cảnh báo sớm để can thiệp nếu phát hiện bất cứ tiểu hành tinh nào có thể lao xuống Trái đất. NASA cũng đang thử nghiệm các phương pháp giúp giảm bớt những mối nguy hiểm như vậy. Ví dụ, tháng 11 năm ngoái, NASA phóng thành công tàu vũ trụ DART nhằm thử nghiệm làm chệch hướng tiểu hành tinh.

Cập nhật: 28/02/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video