Nhiều người từ lâu đã thắc mắc vì sao một số người có khả năng sinh đôi, trong khi nhiều người khác thì không. Mới đây, các nhà nghiên cứu tiết lộ đã phát hiện một số gien làm tăng khả năng sinh đôi ở người.
Sinh đôi cũng là đề tài thu hút giới khoa học suốt hàng trăm năm qua. Hiện tượng này khá phổ biến, cứ 100 ca sinh thì có 1 ca sinh đôi, theo Daily Mail.
Các nhà khoa học tuyên bố đã xác định 2 biến thể gene làm tăng cơ hội sinh đôi lên 29%. Phát hiện đột phá này là kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Hamdi Mbarek và giáo sư Dorret Boomsma tại Đại học Vrije Universiteit Amsterdam, Hà Lan.
Khoa học vừa phát hiện 2 loại biến thể gene làm tăng khả năng sinh đôi. (ẢNH: SHUTTERSTOCK).
Biến thể gene đầu tiên là gene FSHB, có khả năng làm cơ thể tiết ra hormone kích thích nang trứng. Loại hormone này tiết ra từ tuyến yên, một vùng não nhỏ chi phối hầu hết loại hormone trong cơ thể.
Gene FSHB chi phối lớn đến chức năng sinh sản ở phụ nữ, từ thời điểm xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên đến tuổi mãn kinh, tuổi có con đầu lòng cũng như khả năng sinh được bao nhiêu đứa trẻ.
Ngoài ra, FSHB còn ảnh hưởng đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một trong những nguyên nhân chính gây vô sinh ở nữ.
Biến thể gene thứ hai là SMAD3 chi phối cách buồng trứng phản ứng lại với hormone kích thích nang trứng. Sự tương tác của 2 biến thể gene này mang lại những yếu tố cần thiết để cho ra đời các cặp song sinh, nghiên cứu cho biết.
Theo Daily Mail, song sinh có 2 loại. Loại song sinh giống hệt nhau y học gọi là song sinh Monozygotic. Một trứng sau khi được thụ tinh đã phân chia và phát triển thành 2 bào thai với thông tin di truyền giống nhau.
Loại thứ hai là song sinh không giống nhau được gọi là Dizygotic, xảy ra khi 2 trứng được thụ tinh bởi 2 tinh trùng khác nhau.