Tìm thấy hóa thạch "rồng biển" 180 triệu năm tuổi dài hơn 10m

Các nhà cổ sinh vật học phát hiện bộ xương khổng lồ của một con ngư long sinh sống ở vùng biển Anh cách đây 180 triệu năm.

Joe Davis phát hiện hóa thạch ở Khu bảo tồn tự nhiên Rutland Water tại Anh vào tháng 1/2021. Davis, trưởng nhóm bảo tồn, trông thấy một số chiếc xương hóa thạch nhô lên khỏi nền đất khi hút nước ở khu đất. Thoạt đầu, hoá thạch có vẻ như thuộc về một con khủng long khổng lồ. Nhưng khi nhà cổ sinh vật học Dean Lomax xem xét ảnh chụp, ông lập tức biết Davis đã tìm thấy loài bò sát biển đồ sộ mang tên thằn lằn cá hay còn gọi là ngư long.


Hóa thạch Rutland là bộ xương bò sát biển hoàn chỉnh hiếm thấy. (Ảnh: Anglian Water).

Ngư long tồn tại cùng thời với khủng long nhưng chúng có hình dáng và cấu tạo hoàn toàn khác. Ngư long tiến hóa từ bò sát trên cạn ở kỷ Tam Điệp cách đây 246 triệu năm. Cơ thể chúng trở nên thuôn dài và giống cá hơn theo thời gian. Các loài ngư long sinh sống ở biển cho tới khoảng 95 triệu năm trước.

Nhiều loài ngư long có kích thước tương đương cá mập ngày nay, chuyên săn cá, mực và những con mồi nhỏ khác. Vài loài là động vật ăn thịt hàng đầu, thường nhằm vào bò sát biển lớn. Tính đến nay, loài ngư long lớn nhất trong lịch sử sống ở kỷ Tam Điệp, cách đây 250 - 201 triệu năm.

Hóa thạch ở Rutland có niên đại khoảng 180 triệu năm và thuộc về một con vật đồ sộ. Theo nhà cổ sinh vật học Rebecca Bennion ở Đại học Liège, hóa thạch lớn và hoàn chỉnh cỡ này là phát hiện rất đặc biệt. Chỉ riêng hộp sọ đã dài gần 2,1 mét trong riêng toàn bộ cơ thể dài tới hơn 10 mét, tương đương một con cá voi minke hiện đại.

Các nhà nghiên cứu mất hơn hai tuần để khai quật hộp sọ. Theo Lomax, đây là một trong những bộ xương bò sát tiền sử lớn hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện ở Anh. Dù phát hiện chưa được mô tả trong báo cáo chính thức, Jorge Velez-Juarbe, nhà cổ sinh vật học ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quận Los Angeles, nhận định hóa thạch sẽ cung cấp hiểu biết mới về lịch sử tiến hóa của bò sát biển.

Nhóm nghiên cứu vẫn đang khai quật hóa thạch ngư long Rutland. Tuy nhiên, Lomax và cộng sự đã tiến hành mọi phép đo có thể và chụp hàng nghìn bức ảnh để lập mô hình 3D bộ xương. Hiện nay, họ đặt giả thuyết bộ xương thuộc về loài ngư long Temnodontosaurus trigonodon mới chỉ được biết tới qua những chiếc xương riêng lẻ trong lớp đất đá kỷ Jura ở Đức. Đầu kỷ Jura cách đây 180 triệu năm, T. trigonodon là động vật ăn thịt dưới biển lớn nhất hành tinh.

Một con ngư long khác có thể tìm cách ăn thịt cá thể ở Rutland. Các chuyên gia khai quật tìm thấy vài chiếc răng Temnodontosaurus quanh bộ xương, có thể là vết tích của hành vi ăn xác thối, Lomax cho biết.

Vài loài ngư long to như cá voi tiến hóa vào đầu kỷ Tam Điệp nhưng biến mất trong sự kiện đại tuyệt chủng cách đây 201 triệu năm. Những loài ngư long còn sống sót trở nên nhỏ dần nhưng một số loài lại phát triển kích thước lần nữa. Thông qua xem xét răng của mẫu vật mới, các nhà cổ sinh vật học có thể tìm hiểu về thức ăn và vai trò của ngư long Rutland trong hệ sinh thái cuối kỷ Jura.

Cập nhật: 12/01/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video