Các nhà cổ sinh vật học công bố bộ sưu tập hóa thạch khổng lồ từ thế Trung Tân sau nhiều năm khai quật trên một cánh đồng ở Australia.
Vào năm 2017, trong lúc làm việc trên một cánh đồng thuộc vùng Central Tablelands ở bang New South Wales, đông nam Australia, nông dân Nigel McGrath tình cờ tìm thấy những chiếc lá hóa thạch gần như nguyên vẹn được bảo quản trong đá. Phát hiện này đã mở ra cánh cửa dẫn đến một trong những bộ sưu tập đáng kinh ngạc nhất về sự sống cổ đại trong thế Trung Tân, cách đây 5,33 đến 23,03 triệu năm.
Nhà cổ sinh vật học Matthew McCurry từ Viện Nghiên cứu Bảo tàng Australia khi đó đang săn lùng hóa thạch kỷ Jura trên những ngọn đồi và vùng đồng bằng lân cận. Ngay sau khi nghe ngóng được tin tức, ông cùng các cộng sự đã tới địa điểm - ngày nay được đặt tên là cánh đồng McGraths Flat - để kiểm tra.
Kể từ đó, nhóm của McCurry đã tiến hành một loạt các cuộc khai quật và thu được rất nhiều hóa thạch chi tiết của nhện cổ đại, kiến, ve sầu, ong bắp cày, ruồi, bọ cánh cứng, cá, hoa và thậm chí cả lông chim, trong đó có những loài chưa từng được biết đến.
Hóa thạch động thực vật được bảo quản rất tốt trong đá ở McGraths Flat. (Ảnh: McCurry/Frese)
"Là một nhà cổ sinh vật học, việc đi thực địa mà không tìm thấy gì là điều khá phổ biến, nhưng tại địa điểm này, chúng tôi thu được hàng trăm mẫu vật cho mỗi lần khai quật. Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng có thể phát hiện một số lượng hóa thạch đa dạng và được bảo quản tốt như vậy", McCurry nhấn mạnh.
Đến nay, tổng cộng khoảng 2.000 mẫu vật có niên đại từ cách đây 11 đến 16 triệu năm đã được tìm thấy tại địa điểm. "Nhờ chất lượng bảo quản tốt, chúng ta giờ đây có thể hình dung về các hệ sinh thái trong thế Trung Tân rõ ràng hơn bao giờ hết", McCurry nói thêm.
Khám phá mới tiết lộ khu vực Central Tablelands từng có những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp như Amazon với hệ động thực vật phong phú, trước khi khô hạn dần và biến thành các sa mạc thống trị cảnh quan của nó như ngày nay.
Mô phỏng hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Central Tablelands trong thế Trung Tân. (Ảnh: Alex Boermsa).
Theo đồng tác giả nghiên cứu Michael Frese, nhà vi sinh vật học tại Đại học Canberra của Australia, các hóa thạch được bảo quản tốt như vậy là nhờ nguồn nước giàu sắt trong khu vực vào thời điểm đó. Khi nước hồ cạn kiệt, khoáng chất sắt lắng đọng dưới đáy, bao bọc xung quanh lá cây và các sinh vật chết chìm ở đó.
"Chúng ta đang chứng kiến sự biến đổi khí hậu mạnh mẽ. Để dự đoán những gì sắp xảy ra, cách tốt nhất là tìm hiểu những thay đổi tương tự trong quá khứ. Hệ động thực vật trong thế Trung Tân khá giống với những gì chúng ta có bây giờ", Frese nói về tầm quan trọng của phát hiện mới.
Công trình nghiên cứu của McCurry và Frese đã được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 7/1.