Hài cốt vượn khai quật ở ngôi mộ 2.200 năm của bà nội hoàng đế Tần Thủy Hoàng được xác định thuộc về loài mới đã tuyệt chủng.
Bộ xương của giống vượn tuyệt chủng từ lâu được khai quật trong ngôi mộ 2.200 năm ở cố đô Trường An, Trung Quốc, Independent hôm 21/6 đưa tin. Ở thời cổ đại, quý tộc Trung Quốc thường nuôi vượn làm thú cảnh. Ngôi mộ còn chứa bộ xương của báo hoa mai, linh miêu, gấu, sếu và nhiều vật nuôi trong nhà. Ngôi mộ thuộc về Hạ Cơ phu nhân, bà nội hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng.
Hộp sọ của Junzi imperialis khác hẳn 20 loài vượn còn sống ngày nay. (Ảnh: ZSL).
Đặt tên cho giống vượn mới tìm thấy là Junzi imperialis, các nhà nghiên cứu kết luận phát hiện đặc biệt đáng chú ý do không có vượn sinh sống trong khu vực ngày nay. Tiến sĩ Samuel Turvey, nhà sinh vật học bảo tồn ở Hiệp hội Động vật học London, cho biết ghi chép về loài vượn ở miền trung Trung Quốc chỉ giới hạn trong sử sách.
Tiến sĩ Turvey trông thấy hài cốt con vượn khai quật năm 2004 khi ghé thăm Viện Khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây ở Tây An. Dù không được phép lấy mẫu ADN từ xương, tiến sĩ Turvey và đồng nghiệp tiến hành phân tích kích thước hộp sọ vượn để so sánh với các loài còn tồn tại.
Hộp sọ và bộ hàm của mẫu vật khác với 20 loài vượn hiện nay đến mức các nhà khoa học suy đoán nó thuộc về một nhóm hoàn toàn mới đã tuyệt chủng. Họ đặt tên cho loài mới là junzi và công bố phát hiện trên tạp chí Science. Theo tiến sĩ Thomas Geissmann, chuyên gia về loài vượn ở Đại học Zurich, hộp sọ được khai quật có thể là bằng chứng đầu tiên về loài vượn từng sống ở Thiểm Tây, Trung Quốc.
Các nhà khoa học cảnh báo khoảng 60% số loài linh trưởng trên toàn cầu đang có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm tinh tinh, khỉ đột và đười ươi. Vượn Hải Nam sống trên hòn đảo cùng tên của Trung Quốc có thể là động vật có vú hiếm nhất trên thế giới, chỉ còn 26 cá thể còn sót lại. Áp lực các loài linh trưởng ngày nay đang đối mặt cũng tương tự như họ hàng cổ đại của chúng, đều đến từ hoạt động của con người và môi trường sống bị phá hủy.