Các nhà khảo cổ học khai quật hài cốt của những nạn nhân mắc bệnh dịch kinh hoàng được miêu tả như "Ngày Tận thế đang đến”.
Mới đây, nhóm khảo cổ người Ý thuộc dự án Sứ mệnh khảo cổ tại Luxor đã khai quật được các hài cốt trong Tổ hợp lăng mộ Harwa và Akhimenru, thuộc bờ Tây thành phố cổ Thebes (nay là Luxor), Ai Cập. Bên cạnh hài cốt, các chuyên gia còn tìm thấy 3 lò nung vôi, cùng bồn tro cốt khổng lồ.
Qua nghiên cứu, các bộ hài cốt này được phủ một lớp vôi bột (chất để khử trùng thời cổ đại) trên bề mặt. Ước tính, những bộ hài cốt này thuộc thế kỷ thứ III. Thời điểm này, một loạt bệnh dịch được mệnh danh là nạn dịch Cyprian đang càn quét khắp đế chế La Mã cổ đại, trong đó có Ai Cập.
Thánh Cyprian, giám mục thành phố Carthage (thuộc Tunisia) đã mô tả dịch bệnh giống như dấu hiệu cho Ngày Tận thế. Bệnh dịch kéo dài 21 năm, từ năm 250-271. Dựa vào một số ghi chép, Francesco Tiradritti - giám đốc dự án cho biết, riêng tại Rome có tới hơn 5.000 người chết/ngày.
Số lượng người chết ngày một tăng, người dân Ai Cập cổ đại sử dụng lăng mộ làm nơi chôn cất, như lăng của Akhimenru hay lăng Harwa. Sau khi nạn dịch Cyprian xuất hiện, tổ hợp lăng mộ trên đã trở thành nơi tiêu hủy xác chết. Tiradritti cho rằng, hành động này đã làm lăng mộ giảm đi sự thuần khiết, uy danh khiến chúng bị bỏ hoang cho đến khi những kẻ đào trộm mộ "ghé thăm" vào thế kỷ XIX.
Theo tài liệu ghi chép, bệnh dịch khiến ruột nạn nhân đau quằn quại trước khi chết; nôn mửa và tiêu chảy liên tục không thể cầm, khiến sức lực bị bòn rút nhanh chóng dù là người khỏe nhất.
Cổ họng bệnh nhân như bị thiêu đốt, do những vết thương từ tủy lan ra cổ họng. Ngoài ra, Thánh Cyprian mô tả: “mắt bệnh nhân đỏ như có lửa, chảy máu mắt...".
Một số trường hợp tay chân bị nhiễm trùng, hoại tử và phải cắt bỏ. Mức độ nguy hiểm cùng quy mô khủng khiếp của dịch bệnh đã khiến Cyprian tin rằng, Ngày Tận thế đang đến.
Nhưng trên thực tế, "Ngày Tận thế" này đã không xảy ra. Bệnh dịch được đẩy lùi nhưng đã làm suy yếu đáng kể đế chế La Mã. Dịch Cyprian đã giết chết 2 hoàng đế: Hostilian vào năm 251 và hoàng đế Claudius II Gothicus vào năm 270. Theo Tiradritti, có nhiều ý kiến cho rằng, nạn dịch này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đế chế La Mã cổ đại, góp phần đẩy nhanh quá trình sụp đổ của nó.
Dựa theo khoa học hiện đại, nạn dịch Cyprian có khả năng là một dạng của dịch đậu mùa, dịch hạch hoặc sởi. Việc phát hiện ra thi thể người nhiễm dịch thời kỳ này có thể cung cấp tư liệu nghiên cứu mới cho ngành khảo cổ học.
Dù trước đó có rất nhiều nhà nghiên cứu tách ADN từ xác ướp, nhưng Tiradritti cho rằng, kết quả này không đáng tin cậy bởi môi trường Ai Cập khiến các chuỗi ADN bị phá hủy hoàn toàn.