Tìm thấy mỏ heli trị giá 4 tỷ USD bên dưới châu Phi

Khi công ty Renergen bỏ 1 USD để mua quyền khai thác khí, họ không ngờ sẽ tìm thấy mỏ heli với trữ lượng trị giá hơn 4 tỷ USD.

Khi công ty khởi nghiệp Renergen mua quyền thăm dò và sản xuất đối với một số đồng cỏ gần Virginia, thị trấn ở tỉnh Free State của Nam Phi, nhà sáng lập hy vọng tìm thấy nguồn khí tự nhiên nhỏ có thể cung cấp cơ hội khai thác. Họ trả 1 USD cho quyền khai thác vào năm 2013, theo giám đốc điều hành Stefano Marani, và bắt đầu kiểm tra thành phần của khí gas chảy ra từ hai đường ống khoan han gỉ được lắp đặt từ nhiều năm trước đợt thăm dò khoáng chất. Những gì họ phát hiện là nồng độ heli cao khác thường, CNN hôm 4/1 đưa tin.


Renergen sở hữu quyền thăm dò và sản xuất đối với 187.000 hecta mỏ khí ở Welkom, Virginia và Theunissen ở tỉnh Free State. (Ảnh: Renergen).

Heli có nhiều ứng dụng thương mại. Khi ngưng tụ thành dạng lỏng, đây là một thành phần làm lạnh thiết yếu sử dụng trong sản xuất vi chip và vận hành công nghệ scan cộng hưởng từ giúp cứu sống sinh mạng. Tuy nhiên, giá heli trên toàn cầu luôn biến động với nguồn cung cấp không ổn định, loại khí này được sản xuất bởi chưa đến 10 nước trên thế giới. Renergen vô cùng may mắn. Hiện nay, công ty thông báo trữ lượng heli hơn 198,2 triệu m3 ở Dự án khí đốt Virginia trị giá hơn 4 tỷ USD, và nhiều khả năng tăng lên 12 tỷ USD nếu bao gồm thêm trữ lượng có thể có.

Renergen sản xuất thành công heli lỏng từ nhà máy lần đầu tiên vào tháng 1/2023. Sau nhiều lần trì hoãn trong năm do rò rỉ khóa chân không ở hộp lạnh heli, họ hy vọng có thể bắt đầu hoạt động thương mại trong tháng 2/2024, khai thác heli cùng với khí tự nhiên, sau đó xử lý và phân phối cho các khách hàng như Linde, một công ty kỹ thuật toàn cầu.

Điều này có thể khiến khí heli của Renergen thân thiện với môi trường hơn, theo Chris Ballentine, trưởng khoa địa hóa học ở Đại học Oxford tại Anh. Thông thường, heli được sản xuất như một phụ phẩm của khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), hỗn hợp khí chủ yếu là methane. Chỉ ở nồng độ vào khoảng 0,3%, việc khai thác trực tiếp heli mới có giá trị kinh tế. Như vậy, trong phần lớn trường hợp, nguồn cung cấp heli bị chi phối bởi các nhà sản xuất dầu khí và hoạt động sản xuất thải nhiều carbon. Điều khiến dự án của Renergen đáng chú ý là việc sản xuất heli của họ tạo ra ít khí thải hơn hẳn.

Một lợi thế khác của nồng độ heli cao là chi phí sản xuất rẻ hơn. "Chúng tôi sản xuất heli ở chi phí thấp hơn nhiều hầu hết đối thủ khác trên thị trường. Chúng tôi khoan các giếng rất nông, có thể khoảng 305 - 457 m và khí tự phun lên", Marani chia sẻ.

Dự án giai đoạn 1 của công ty là một hoạt động thí điểm nhỏ do chính phủ Mỹ tài trợ, sẽ sản xuất khoảng 350kg heli mỗi ngày, đủ để đáp ứng nhu cầu của Nam Phi mà vẫn dư thừa. Giai đoạn 2 đi vào hoạt động năm 2027 sẽ tăng sản lượng lên 4,2 tấn mỗi ngày, sản xuất khoảng 6 - 8% nguồn cung cấp heli toàn cầu. Với thị trường heli dự kiến trị giá hơn 6 tỷ USD năm 2027 theo công ty Research and Markets, con số đó sẽ tạo ra doanh thu đáng kể.

Cập nhật: 06/01/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video