Tìm thấy ngôi mộ 4.000 năm tuổi còn nguyên vẹn của nữ hoàng Ai Cập

Ngôi mộ của nữ hoàng Hetepheres được phát hiện không lâu sau mộ vua Tutakhamun và chứa nhiều đồ vật quý giá.


Những đồ mai táng bên trong ngôi mộ G7000X. (Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật đương đại Boston)

Từ đầu thế kỷ 20, cao nguyên Giza được khai quật bởi một nhóm học giả quốc tế. Một trong những người phụ trách công tác khai quật ở đây là nhà khảo cổ học người Mỹ George Reisner. Vào ngày 2/2/1925, nhiếp ảnh gia của Reisner là Mohammedani Ibrahim làm việc gần kim tự tháp do pharaoh Khufu xây dựng vào giữa thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên và nhận thấy trụ đỡ máy ảnh của ông nằm dựa trên một lớp thạch cao màu trắng, có thể là đỉnh của một công trình ẩn bên dưới.

Ibrahim cần thông báo cho sếp của mình nhưng lúc đó Reisner không ở Ai Cập mà ở Boston để làm công việc của một giáo sư Ai Cập học ở Đại học Harvard. Các cộng sự bắt đầu đào xới trong lúc ông vắng mặt và tìm thấy một căn hầm hẹp sâu 26 m chứa đầy đá vụn. Đây là bằng chứng cho thấy họ đã phát hiện một ngôi mộ. Tuy nhiên, do thợ trộm mộ đã hoạt động ở Giza trong hàng nghìn năm, khả năng tìm thấy ngôi mộ nguyên vẹn rất thấp. Đối với nhóm khảo cổ, đó là một khoảnh khắc thắng lợi nhưng cuối tuần đó, họ nhận được công điện từ Boston yêu cầu ngừng công việc ở Ai Cập. Ngôi mộ có số hiệu G7000X bị niêm phong lại.


Chim ưng bằng vàng trong mộ nữ hoàng Hetepheres. (Ảnh: Scala)

Sinh năm 1867 ở Indianapolis, George Reisner từng phụ trách đợt khảo sát khảo cổ lớn ở khu vực Nubia (ngày nay là miền nam Ai Cập và Sudan). Năm 1902, nhà Ai Cập học người Pháp Gaston Maspero phân chia cao nguyên Giza cho các nhà khảo cổ xuất sắc thời đó nhằm ngăn nạn trộm mộ và công trình xuống cấp. Khu vực trung tâm của di chỉ khổng lồ được giao cho Reisner. Sau khi Reisner hoàn thành công tác ở Mỹ và trở lại Ai Cập, ngôi mộ G7000X được mở lại vào tháng 1/1926.

Bước vào gian mộ chứa quan tài, Reisner nhận thấy đồ đạc bọc vàng ở bên trong bị phá hủy bởi nước. Điều kiện ngôi mộ tồi tàn đến mức nhà khảo cổ lo sợ công trình sẽ sụp đổ. Quá trình thu thập những mảnh gỗ và đồ khảm nạm được tiến hành hết sức tỉ mỉ. Reisner và cộng sự cũng tìm thấy một mái che và giường, ghế bành và kiệu. Tên của chủ nhân ngôi mộ "Hetepetheres" được khắc trên cỗ kiệu, giúp xác nhận suy đoán của Reisner, đó là ngôi mộ thuộc về một người phụ nữ. Bà là mẹ của pharaoh Khufu, vị vua thứ hai của vương triều thứ 4. Ngôi mộ của bà nằm ẩn dưới bóng Đại kim tự tháp của pharaoh Khufu suốt hơn 4 thiên niên kỷ.

Quan tài bằng thạch cao mịn của Hetepheres được mở vào tháng 3/1927 nhưng không chứa hài cốt nào. Các nhà sử học vẫn tranh cãi điều gì xảy ra với thi thể. Reisner cho rằng ban đầu Hetepheres được chôn gần chồng bà là Snefru tại Dahshur. Sau đó, Khufu xây dựng ngôi mộ mới ở Giza, nhưng hài cốt mẹ ông không bao giờ được chuyển tới đó. Những người khác suy đoán bà được chôn ở kim tự tháp nhỏ G1a ở chân Đại kim tự tháp.

Sau cuộc khai quật, chiếc ghế bành được phục dựng và trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo ngày nay. Sau khi Reisner qua đời vào năm 1942, các chuyên gia khôi phục lại cỗ kiệu và lớp vàng phủ bên ngoài. Món cổ vật hiện nay đang nằm ở Bảo tàng Cận đông Cổ đại Harvard ở Cambridge, Massachusetts.

Cập nhật: 05/04/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video